Hà Nội quyết liệt vận hành chính quyền hai cấp, thúc đẩy tăng trưởng GRDP đạt 8%

Ngày 8/7, tại kỳ họp thứ 25 Hội đồng Nhân dân (HĐN) TP Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP Trương Việt Dũng đã trình bày báo cáo quan trọng, nhấn mạnh 2 vấn đề chính: Hà Nội chính thức vận hành chính quyền hai cấp; đồng thời giữ vững quyết tâm về tăng trưởng GRDP năm 2025 ở mức 8% trở lên.

Mô hình chính quyền hai cấp vận hành ổn định, hiệu quả

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng khẳng định: Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền theo Kết luận số 121 và 126 của Bộ Chính trị đã được triển khai khẩn trương, bài bản, khoa học, đảm bảo tính kế thừa và ổn định. Từ ngày 1/3/2025, thành phố giảm 29% số sở, 33% chi cục, 25% phòng cấp sở và 17% phòng cấp quận, huyện, thị xã.

Đặc biệt, từ 1/7/2025, sau khi hoàn tất việc sắp xếp 526 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 126 đơn vị, mô hình chính quyền hai cấp đã chính thức đi vào vận hành. Theo đánh giá, sau 8 ngày triển khai, toàn bộ 126 xã, phường mới đều hoạt động ổn định, không xảy ra gián đoạn trong giải quyết thủ tục hành chính. 100% văn bản được xử lý trên môi trường điện tử có ký số, hơn 84.000 quy trình nghiệp vụ đã được cấu hình, đảm bảo hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng trình bày báo cáo quan trọng về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng trình bày báo cáo quan trọng về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.

Đây là bước đi quyết liệt thể hiện tinh thần "Tư duy Thủ đô – hành động Hà Nội", đồng thời tạo tiền đề vững chắc cho vận hành chính quyền tinh gọn, hiện đại, phục vụ nhân dân.

GRDP tăng 7,63%, quyết tâm đạt mục tiêu 8% năm 2025

Mặc dù kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, nhưng nhờ chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, Hà Nội đã giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm đạt 7,63%, cao hơn cùng kỳ 2024 và vượt kịch bản đề ra. Các quý sau có xu hướng tăng nhanh (quý III dự báo 8,18%; quý IV đạt 8,53%), cho thấy dư địa tăng trưởng của Thành phố còn rất lớn.

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 392 nghìn tỷ đồng, bằng 77,6% dự toán năm, tăng 51,4% so với cùng kỳ, chiếm gần 30% tổng thu cả nước. Riêng thu nội địa đạt 373,7 nghìn tỷ đồng – mức cao kỷ lục. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,5%, vốn FDI đạt 3,67 tỷ USD – tăng gấp 2 lần cùng kỳ và vượt chỉ tiêu cả năm.

Đặc biệt, Hà Nội dẫn đầu cả nước về tỷ lệ đầu tư công từ ngân sách địa phương với hơn 33,5 nghìn tỷ đồng, tăng 38%. Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm theo cơ chế “làn xanh”, tiêu biểu là cầu Tứ Liên đã khởi công ngày 19/5/2025, cùng các dự án vành đai và tuyến đường sắt đô thị khác.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% GRDP trong năm 2025, đồng thời chuẩn bị cho các sự kiện lớn như kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Hà Nội xác định 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm: Đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp; Thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các ngành thế mạnh như cơ khí, điện tử, chế tạo; Triển khai hiệu quả đầu tư công, giải ngân 100% vốn, tập trung vào các công trình giao thông, môi trường; Tăng tốc chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ 200 doanh nghiệp công nghệ, hoàn thiện nền tảng dữ liệu dùng chung; Xây dựng đô thị bền vững, hiện đại, phát triển kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, quy hoạch không gian xanh và hạ tầng giao thông công cộng; Xử lý ô nhiễm môi trường, đưa nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động, cải tạo hệ thống sông nội đô; Tổ chức chuỗi hoạt động chính trị - văn hóa trọng điểm phục vụ lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám – Quốc khánh 2/9; Tổ chức hiệu quả mô hình chính quyền hai cấp, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo vận hành chính quyền thông minh, hiệu quả.

Thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh

Thành phố đã ban hành hơn 15 văn bản cấp thành phố và 40 kế hoạch chuyên đề để triển khai đồng bộ chuyển đổi số trên toàn hệ thống. Hà Nội hoàn thiện Kiến trúc Chính quyền số phiên bản 3.0, xử lý 100% văn bản điện tử tại cấp xã, cấu hình gần 2.000 thủ tục hành chính và kết nối 28 danh mục dữ liệu quốc gia.

Trung tâm IOC được nâng cấp, ứng dụng AI được triển khai trong giám sát đô thị, quản lý y tế, giáo dục và cảnh báo thiên tai. Hơn 21 triệu lượt khám bệnh đã được số hóa; học bạ điện tử được triển khai cho 99,99% học sinh tiểu học; ví giấy tờ số được tích hợp trên ứng dụng iHanoi.

Hà Nội giữ vững vị thế dẫn đầu về giáo dục, với 200 giải học sinh giỏi quốc gia, 18 giải quốc tế và tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt gần 77%. Công tác an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả với hơn 2,2 triệu suất quà tặng, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,5%.

An ninh trật tự được đảm bảo tuyệt đối, phục vụ 1.298 sự kiện chính trị, văn hóa lớn. Tội phạm hình sự được kiểm soát, tỷ lệ khám phá án đạt 61,96%, tai nạn giao thông giảm sâu trên cả 3 tiêu chí, các vụ cháy nổ được xử lý nhanh chóng và hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng nhấn mạnh: Hà Nội sẽ tiếp tục là đầu tàu phát triển, đi đầu trong cải cách, chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đô thị thông minh. Với tinh thần chủ động – sáng tạo – quyết liệt – hiệu quả, thành phố cam kết hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu đề ra, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh – hiện đại – đáng sống – là trái tim của cả nước.

Trung Nguyên-Quang Phong/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/ha-noi-quyet-liet-van-hanh-chinh-quyen-hai-cap-thuc-day-tang-truong-grdp-dat-8-20250708103919846.htm