Hà Nội quyết tâm chặn thực phẩm bẩn lưu thông trên thị trường

Ngày 11/6, Văn phòng UBND TP Hà Nội có thông báo số 241/TB-VP về kết luận của Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh - Trưởng Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm (ATTP) TP tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ban chỉ đạo công tác ATTP TP với các quận, huyện, thị xã.

Theo đó, ngày 4/6/2024, tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ban chỉ đạo công tác ATTP TP với các quận, huyện, thị xã, sau khi nghe Sở Y tế báo cáo kết quả đánh giá triển khai “Tháng hành động vì ATTP” và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh - Trưởng Ban chỉ đạo công tác ATTP TP kết luận chỉ đạo:

Sở Y tế Hà Nội chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT cùng các đơn vị có liên quan tham mưu, báo cáo UBND TP trình Thành ủy ban hành Chỉ thị của Thành ủy về các biện pháp tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn Hà Nội để từ đó chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng tham gia vào hoạt động bảo đảm ATTP.

Chân gà, xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ bị thu giữ. Ảnh: Hoài Nam

Chân gà, xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ bị thu giữ. Ảnh: Hoài Nam

Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội chủ trì cùng các cơ quan liên quan tập trung kiểm soát ngăn chặn hạn chế tối đa thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Các đơn vị tăng cường công tác thanh, kiểm tra, từ điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người. Đặc biệt là việc tuân thủ, chấp hành các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP và thông tin rộng rãi kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho cộng đồng, người dân được biết.

Sở TT&TT chủ trì tổ chức, chỉ đạo, phối hợp hướng dẫn các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tuyên truyền về các biện pháp bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm sâu rộng đến từng người dân Thủ đô.

Đơn vị tổ chức tuyên truyền để người tiêu dùng, người lao động thấy sức khỏe là vốn quý, tự chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức về ATTP và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm. Từ đó, người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn.

Sở NN&PTNT nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nhà xưởng giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn TP.

Đơn vị có phương án hỗ trợ trực tiếp khuyến khích hộ gia đình, cá nhân đưa gia súc, gia cầm đến các cơ sở giết mổ tập trung để đảm bảo ATTP trước khi đưa ra thị trường và đảm bảo công tác vệ sinh môi trường trong khu dân cư.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT nghiên cứu, có giải pháp giáo dục, tuyên truyền về đảm bảo ATTP trong trường học để nâng cao nhận thức, thực hành cho học sinh và giáo viên trong hệ thống trường học trên địa bàn TP.

Ngoài ra, UBND TP giao các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, trên cơ sở kết quả đạt được của “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024; tiếp tục đẩy mạnh, triển khai các giải pháp; chương trình, dự án, mô hình điểm về ATTP để hoàn thành xuất sắc Kế hoạch 319/KH- UBND ngày 26/12/2023 của UBND TP về công tác ATTP TP Hà Nội năm 2024.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-quyet-tam-chan-thuc-pham-ban-luu-thong-tren-thi-truong.html