Hà Nội quyết tạo đột phá về khoa học, công nghệ

Thời gian qua, công tác phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số luôn được thành phố Hà Nội coi trọng, triển khai và đã có những bước đi nhanh chóng, mạnh mẽ.

Để tạo đột phá cho lĩnh vực này theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, Hà Nội đang đứng trước nhiều yêu cầu mới.

Nền tảng thuận lợi

Thực hành nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm ở Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Kim Ngọc

Thực hành nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm ở Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Kim Ngọc

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội đặc biệt coi trọng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thành phố đã chủ động tham mưu đưa các nội dung này vào Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Luật Thủ đô năm 2024 nhằm thể chế hóa nhiệm vụ này.

Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2023, định hướng đến năm 2030” để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cụ thể hóa.

Trong hai năm liên tiếp (2023 và 2024), Hà Nội là địa phương đứng đầu về bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Thành phố đã xác định 3 trụ cột để tập trung triển khai đó là, Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số. Trên cơ sở hợp nhất 3 ban chỉ đạo (Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ), công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 đã được thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị và các ngành, lĩnh vực, địa phương. Hà Nội đã cho thấy vai trò gương mẫu, đi đầu khi xung phong triển khai nhiều nhiệm vụ mới, khó, như: Triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử, Cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID...

Ngày 22-12-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TƯ về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Triển khai thực hiện Nghị quyết, Ban Thường vụ Thành ủy đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 57 Thành ủy Hà Nội). Ngày 7-3 vừa qua, Ban Chỉ đạo đã tiến hành họp phiên đầu tiên, thông qua phân công nhiệm vụ các thành viên, quy chế làm việc và thảo luận về chương trình hành động. Thành ủy Hà Nội một lần nữa thể hiện tinh thần tiên phong trong thực hiện Nghị quyết khi công bố 8 ứng dụng chuyển đổi số dùng chung 3 cấp trong cả hệ thống chính trị.

Với năng lực dẫn đầu, Thành ủy Hà Nội vừa được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và tích hợp các dịch vụ công của Đảng lên Cổng dịch vụ công quốc gia; trước mắt, đưa vào sử dụng trong tháng 5-2025 các thủ tục thu nộp đảng phí, thủ tục về giấy xác nhận sinh hoạt Đảng hai chiều, thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng cá nhân, thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng giữa các tổ chức Đảng trong thành phố...

Cứ có sản phẩm tốt, mạnh là đầu tư

Sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính viễn thông Việt Nam (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Trần An

Sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính viễn thông Việt Nam (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Trần An

Mặc dù tình hình, kết quả phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Hà Nội rất tích cực, song yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới đòi hỏi thành phố phải có bước đột phá mới trong lĩnh vực này. Ngay trong năm nay, Hà Nội phải phấn đấu tăng trưởng GRDP từ 8% trở lên để tạo đà từ năm 2026 tăng trưởng đạt hai con số.

Để làm được điều này, Hà Nội phải xây dựng được một chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ thực chất, khả thi; vừa bao quát đầy đủ, thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực, vừa có trọng tâm, trọng điểm và phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, thời hạn hoàn thành.

Giáo sư Lê Xuân Tùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Hà Nội muốn tiên phong trong kỷ nguyên mới thì trước hết phải trở thành trung tâm khoa học, công nghệ; mà để trở thành trung tâm khoa học công nghệ, nhất định phải khai thác được “mỏ vàng” là đội ngũ trí thức đông đảo nhất cả nước... Trong khi đó, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị nên xác định rõ chỉ tiêu về “công dân số” để các cấp, các ngành triển khai thực hiện.

Đặc biệt, Hà Nội có lợi thế lớn khi sở hữu Khu công nghệ cao Hòa Lạc với diện tích đất rộng lớn, hạ tầng khung khá tốt, hiện có nhiều dự án, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư và sản xuất hiệu quả. Nhưng vấn đề là phải đầu tư bao nhiêu và theo hướng nào để nâng tầm Khu công nghệ cao Hòa Lạc lên, thực sự trở thành “tổ đại bàng”, một “cực tăng trưởng”. Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, Khu công nghệ cao Hòa Lạc phải được xây dựng theo hướng trở thành một “hệ sinh thái” đầy đủ có sức hút to lớn cả nhân tài và nguồn lực đầu tư.

Theo Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ Vũ Ngọc Thiềm, việc ứng dụng công nghệ số không chỉ đơn giản là triển khai các phần mềm, ứng dụng, mà còn là một cuộc cách mạng trong tư duy, phương thức làm việc và cải cách hành chính; phải thay đổi từ bên trong, bắt đầu từ chính các cơ quan, tổ chức, từ mỗi cán bộ, đảng viên.

Những kiến giải nêu trên đều được lãnh đạo thành phố mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo 57 Thành ủy Hà Nội hết sức quan tâm, tiếp thu và đang chỉ đạo thực hiện. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài khẳng định, thành phố sẽ xác định rõ lĩnh vực mũi nhọn và phát huy tiềm năng, lợi thế của Hà Nội, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cụ thể hóa bằng sản phẩm, có trọng tâm, trọng điểm gắn với lộ trình, tiến độ và phân công nhiệm vụ phụ trách.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Hà Minh Hải:

Làm ngay để giải bài toán tăng trưởng

Với mục tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng GRDP 8% trong năm nay và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn từ 2026 trở đi, chúng ta phải đưa Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành “quả đấm thép”. Để làm được điều đó, thành phố cần xây dựng Đề án phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tạo cơ chế thu hút các nhà đầu tư lớn, cùng với đầu tư tuyến đường sắt số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc). Việc này phải làm ngay lập tức thì mới có thể giải quyết bài toán tăng trưởng.

Ngoài ra, để cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, cùng với chương trình tổng thể chung, thành phố cần chọn nhóm trọng điểm, trọng yếu, tôi đề nghị trong đó có hạ tầng và dữ liệu dùng chung. Thứ hai là phải tập trung đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến. Vừa qua, Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố đã triển khai quyết liệt các giải pháp, nhưng tôi đề nghị trong năm 2025, chúng ta phải phấn đấu toàn bộ nội dung liên quan đến cải tổ cấu trúc.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga:

Lựa chọn mảng đầu tư đem lại hiệu suất vượt trội

Khoa học, công nghệ thực sự là động lực góp phần thiết thực tạo ra tăng trưởng nhanh. Trước hết, chúng ta phải đầu tư cho khoa học, công nghệ, lựa chọn mảng đầu tư đem lại hiệu suất vượt trội thì mới có thể tăng trưởng. Còn nếu đầu tư dàn hàng ngang như trước đây và đầu tư cho những lĩnh vực truyền thống thì sẽ khó tạo ra mức tăng trưởng cao.

Đối với Hà Nội, nếu chúng ta xác định đầu tư cho công nghệ cao và khoa học kỹ thuật là trọng điểm thì không ở đâu hiệu quả, thuận lợi bằng đầu tư cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Nhà nước đã bỏ ra khoản kinh phí rất lớn để giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng khung. Đất đai có sẵn, hạ tầng cơ bản hoàn thiện, dư địa phát triển ở đây rất lớn. Hiện nay, thành phố đang phải dồn lực rất nhiều cho các lĩnh vực đầu tư khác như hạ tầng giao thông, cải tạo môi trường. Vì vậy, trong năm 2025 phải có sự chuẩn bị, đặc biệt trong giai đoạn 2026-2030, đối với đầu tư công cần xem xét để ưu tiên đầu tư cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố Hà Nội Vũ Xuân Hùng:

Tập trung phát huy chất xám Việt

Luật Thủ đô năm 2024 quy định cho phép thử nghiệm có kiểm soát. Đây là cơ chế riêng có của Hà Nội. Tôi đề nghị thành phố sớm triển khai cụ thể hóa cơ chế thử nghiệm chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy nghiên cứu phát triển, thử nghiệm, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ chiến lược quốc gia, trọng điểm của thành phố.

Đối với thu hút nhân tài, đây là yếu tố then chốt để tạo đột phá, được xác định rõ trong Nghị quyết số 57-NQ/TƯ. Cho nên, tôi đề nghị thành phố phải tập trung phát huy chất xám Việt mới có thể phát triển công nghệ nguồn. Doanh nghiệp nước ngoài hay các nhà nghiên cứu nước ngoài không bao giờ mang công nghệ nguồn sang nghiên cứu, nên chúng ta muốn có công nghệ nguồn thì phải tập trung phát triển ý tưởng của người Việt Nam. Ngoài ra, tôi kiến nghị nghiên cứu tạo cơ chế nhập quốc tịch cho nhà khoa học, chuyên gia người nước ngoài... Như thế mới có thể tạo sức bật cho phát triển khoa học, công nghệ.

Quốc Bình - Hiền Chi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-quyet-tao-dot-pha-ve-khoa-hoc-cong-nghe-697317.html