Đông về trên phố nhỏ Hà Nội không chỉ mang theo những đợt gió lạnh và phủ lên bầu trời nơi đây một gam màu xám xịt ảm đạm của những lớp mây mù. Đông về là ngày lá bàng rực đỏ.
Cây bàng trong tâm trí người Việt Nam vốn là hình ảnh thân thuộc. Bàng gắn liền với sân trường, vỉa hè, góc phố.
Càng vào đông, sắc đỏ càng thắm lại, rực hơn. Tại phố cổ, bàng được trồng nhiều xem lẫn những loại cây khác như hoa sữa, cây sấu, xà cừ.
Theo quy hoạch từ thời Pháp thuộc, bàng, xà cừ, sấu được trồng và tạo cảnh quan chính cho hệ thống phố cũ, khu phố biệt thự Pháp ở quận Hoàn Kiếm, khu hành chính quận Ba Đình.
Cây bàng nghiêng mình, in bóng trên mặt hồ.
Tán bàng tại phố cửa Nam cũng chuyển màu để chuẩn bị thay lá.
Bàng được trồng nhiều ở những tuyến phố trong khu phố cổ Cửa Nam, Hàng Bông, Phùng Hưng, Hàng Chiếu, Hàng Mã... hay các tuyến phố lân cận như Tràng Thi, Nguyễn Thái Học.
Lá bàng đỏ là đặc trưng riêng của phố phường Hà Nội những ngày đông.
Bàng thuộc loại cây thân gỗ lớn sinh trưởng tại các vùng nhiệt đới. Cây bàng có thể cao tới 35m, các tán lá thẳng, đối xứng mọc trên các cành ngang. Cây càng già, tán lá càng phẳng dần tạo thành hình cái bát trải rộng.
Bức tranh Hà Nội mùa này, đẹp như lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu..."
Lá bàng chuyển dần từ xanh sang cam và sau đó chuyển đỏ.
Lâm Thùy Dương