Hà Nội: Sẵn sàng mùa lễ hội an toàn, văn minh
Ngay từ đầu năm 2025, công tác chuẩn bị cho các lễ hội truyền thống tại Hà Nội đã được các địa phương triển khai tích cực. Tại đền Sóc (huyện Sóc Sơn), đền Sái (huyện Đông Anh) hay gò Đống Đa (quận Đống Đa), kế hoạch tổ chức các lễ hội đã được ban hành sớm với sự phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết.
Trong những ngày cuối năm Giáp Thìn, Đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố do Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội đền Sái (huyện Đông Anh) và lễ hội gò Đống Đa (quận Đống Đa).
Lễ hội Gióng đền Sóc - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được tổ chức hằng năm nhằm tri ân công đức người anh hùng Phù Đổng Thiên Vương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Lễ hội không chỉ khơi dậy truyền thống yêu nước và tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam mà còn là dịp để quảng bá giá trị của Di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc tới nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Theo kế hoạch, lễ hội năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 3/2 đến 5/2/2025 (từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Phần lễ bao gồm nhiều nghi thức truyền thống quan trọng như Lễ Mộc Dục vào đêm mùng 5 Tết, lễ tế và lễ rước của 8 thôn vào sáng mùng 6 Tết, và đặc biệt là lễ hóa voi (thôn Dược Thượng) và hóa ngựa (thôn Phù Mã) diễn ra vào chiều mùng 8 Tết. Lễ khai hội sẽ được tổ chức vào 6h30 ngày 3/2/2025 tại đền Thượng - Khu di tích đền Sóc.
Phần hội sẽ mang đến cho du khách nhiều hoạt động đặc sắc như trải nghiệm văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian, trưng bày sản phẩm OCOP. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao cũng được tổ chức phong phú, bao gồm nghi lễ trò chơi Kéo Mỏ, thi nấu cơm, chương trình Vật Cầu Húc cùng nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật và giao lưu văn nghệ địa phương.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, lễ hội Gióng đền Sóc là lễ hội thường niên diễn ra xuyên suốt tháng Giêng, từ đêm 30 Tết đến rằm tháng Giêng. Hằng năm, di tích đón khoảng 140.000 - 150.000 du khách thập phương về chiêm bái, riêng trong dịp lễ hội thu hút khoảng 40.000 - 50.000 khách, với ngày cao điểm có thể lên tới 20.000 lượt khách.
Để đảm bảo an toàn cho số lượng du khách lớn, công tác an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy đã được Công an huyện lập kế hoạch chi tiết, đặc biệt chú trọng trong quá trình diễn ra lễ rước và lễ tế. Các phương án về an toàn giao thông, kiểm tra phòng cháy chữa cháy cũng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trung tâm Quản lý khu Du lịch - Di tích đền Sóc đã tiến hành sửa chữa hệ thống điện, khắc phục các tồn tại từ mùa lễ hội trước và thực hiện đầy đủ các yêu cầu về công tác y tế.
Còn tại đền Sái (huyện Đông Anh), công tác chuẩn bị cũng được triển khai chu đáo. Theo Bí thư Đảng ủy xã Thụy Lâm Nguyễn Tuấn Đôn - Trưởng Ban chỉ đạo lễ hội đền Sái, xã đã xây dựng kế hoạch chi tiết và ban hành các quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức lễ hội. Các phương án về an ninh trật tự, an toàn giao thông, y tế được lập chi tiết theo từng ngày, từng vị trí, bao gồm cả hoạt động bảo vệ cổ vật, quản lý công đức và đón tiếp khách.
Trong khi đó, Lễ hội Gò Đống Đa năm nay sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 2 - 4/2/2025 (mùng 5-7 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Đặc biệt, Lễ kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lần đầu tiên được tổ chức vào buổi tối ngày 2/2 và truyền hình trực tiếp trên kênh H1 Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Điểm nhấn của chương trình là phần nghệ thuật đặc biệt "Đống Đa - Sử vàng lưu danh - Tương lai vững bước" với hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại, có sự tham gia của hơn 400 diễn viên quần chúng.
Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Đống Đa Đặng Thị Mai, quận đã có chủ trương tổ chức từ tháng 6/2024 với mục tiêu đột phá trong việc sử dụng công nghệ số hóa. Đến ngày 20/1/2025, khoảng 80% công tác tổ chức đã được triển khai. Quy mô dự kiến có khoảng 2.500 người tham dự. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng cho biết, kinh phí tổ chức chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Quận đã có phương án phân luồng giao thông chi tiết và bố trí các điểm đỗ xe thuận tiện cho người dân.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài yêu cầu các địa phương tiếp tục hoàn thiện các phương án tổ chức, đặc biệt là kế hoạch chi tiết cho từng đối tượng và giờ giấc cụ thể. Công tác vệ sinh môi trường cần được quan tâm hơn nữa, chú trọng việc tổng vệ sinh trước và sau lễ hội, tăng cường thu dọn vệ sinh thường xuyên trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Ông Phạm Xuân Tài cũng nhấn mạnh việc tổ chức lễ hội phải tuân thủ nghiêm Nghị định số 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội và Thông tư 04/2023/TT-BTC về thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức. Các nghi lễ cần được thực hiện đúng truyền thống văn hóa, đồng thời phải đảm bảo nếp sống văn minh và quy tắc ứng xử của Thành phố, đặc biệt là tại nơi thờ tự. Ban Tổ chức cần kiểm soát chặt chẽ trang phục của du khách và hành vi ứng xử để đảm bảo lễ hội diễn ra vui tươi, an toàn và lành mạnh...
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-san-sang-mua-le-hoi-an-toan-van-minh-183644.html