Hà Nội sẵn sàng ứng phó kịp thời bão số 3
Để chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó kịp thời, khẩn trương, hiệu quả với bão số 3 Yagi, Hà Nội đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và Thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
TP. Hà Nội xác định một số địa điểm có thể chịu ảnh hưởng, tác động của thời tiết, thiên tai gồm 05 trọng điểm xung yếu đê điều cấp Thành phố và 23 trọng điểm xung yếu đê điều cấp huyện và đã xây dựng phương án bảo vệ; 11 điểm ngập úng (với lượng mưa từ 50-70mm/h) và 19 điểm ngập úng (với lượng mưa đến 100mm/h trở lên) cùng các điểm ứ đọng nước do mặt đường trũng, thấp và xây dựng các phương án ứng phó.
Đối với công tác chuẩn bị ứng phó với bão, Thành phố đã xây dựng phương án phòng ngừa trước khi bão đổ bộ, triển khai, chỉ đạo vận hành trạm bơm tiêu thoát nước đệm, triển khai các biện pháp hạ thấp mực nước hồ chứa thủy lợi, rà soát dừng thi công các công trình có nguy cơ ảnh hưởng của bão, đặc biệt là thực hiện nghiêm công tác cấp phép thi công các công trình liên quan đến đê điều, thủy lợi theo quy định, rà soát các khu vực nguy hiểm, xung yếu.
Về phương án ứng phó khi bão đổ bộ, căn cứ vào cấp độ rủi ro thiên tai, tình hình thực tế tương ứng với các kịch bản đã được xây dựng tại các phương án, kế hoạch PCTT và TKCN, các cấp, các ngành trên địa bàn Thành phố sẽ triển khai đồng loạt các hoạt động ứng phó với bão theo kế hoạch được duyệt, với một số hoạt động cụ thể:
- Triển khai lực lượng, phương tiện thực hiện giải pháp chống bão, chống úng ngập; lực lượng, phương tiện huy động, hiệp đồng với các đơn vị quân đội, công an tham gia công tác PCTT và TKCN tổng quân số 10.732 đồng chí, 303 phương tiện; ngoài ra còn có lượng lượng ứng trực, chỉ huy tại các cơ quan thường trực PCTT và TKCN; tổ chức lực lượng xung kích, lực lượng chuyên trách để ứng phó với mưa bão như trực ban, tuần tra, canh gác, xử lý giờ đầu các sự cố, thực hiện tua vớt rác khơi thông dòng chảy, vận hành các trạm bơm tiêu…
- Công tác vận hành các trạm bơm tiêu úng của các công ty Thủy lợi:
+ Tương ứng với kịch bản mưa từ 200÷300mm/3 ngày (dự kiến ngập lớn nhất 36.200ha) và mưa trên 300mm/3 ngày (dự kiến ngập lớn nhất là 52.400ha): vận hành 324 trạm bơm với công suất khoảng 4.000.000 m3/h. Thời gian tiêu úng từ 3÷7 ngày.
+ Tương ứng với kịch bản mưa từ 100-200mm/3 ngày (dự kiến ngập lớn nhất là 21.600ha): vận hành khoảng 100 trạm bơm với công suất khoảng 800.000 m3/h. Thời gian tiêu úng dưới 3 ngày.
+ Tương ứng với kịch bản mưa nhỏ hơn 50mm/ngày, triển khai mở các cống tiêu tự chảy và vận hành một số trạm bơm cục bộ.
- Công tác thoát nước chống úng ngập khu vực đô thị tương ứng với các kịch bản lượng mưa từ 50-70mm/h và trên 100mm/h: tổ chức ứng trực, bố trí người tua vớt rác, vận hành hệ thống công trình tiêu thoát nước (đập Thanh Liệt, Trạm bơm Yên Sở,…), vận hành các máy bơm dã chiến và các phương tiện hỗ trợ tiêu, thoát nước…
Phương án khắc phục hậu quả sau bão: theo kế hoạch và phương án được duyệt, các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội sẵn sàng các giải pháp khắc phục hậu quả; xử lý các sự cố, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn; thống kê, hỗ trợ thiệt hại; phục hồi sản xuất, cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân…
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-san-sang-ung-pho-kip-thoi-bao-so-3-263396.htm