Hà Nội sắp đón đợt COVID-19 mới?

Trong 1 tuần vừa qua, Hà Nội tăng mạnh ca mắc COVID-19, có ngày lên gần 800 ca, trong đó hơn 200 F0 cộng đồng mỗi ngày. Theo dự báo, Hà Nội có khả năng tăng lên 1.000 ca mỗi ngày, dịch lan rộng ở 30/30 quận, huyện.

Hà Nội hiện đang có gần 5.700 F0 điều trị, số ca mắc mới tăng nhanh trong những ngày vừa qua khiến nhiều người lo ngại liệu có quá tải điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt khi gần đây Thủ đô xuất hiện tình trạng người dân test COVID-19 có kết quả dương tính tự vào viện mà không thông báo cho chính quyền và y tế địa phương.

Tự vào viện vì lo không có nơi điều trị

Sáng 9-12, có mặt ở khu vực khám sàng lọc của Bệnh viện Thanh Nhàn, chúng tôi gặp khá nhiều người dân nghi ngờ mắc COVID-19 vào viện khám sàng lọc, làm xét nghiệm nhanh, sau khi có kết quả dương tính thì được xét nghiệm khẳng định. Một số người test nhanh tại nhà có kết quả dương tính cũng tự đi đến viện. Thậm chí có người đoán mình mắc COVID-19 đã chuẩn bị sẵn túi quần áo đem theo.

Có gia đình cả 2 mẹ con tự test nhanh dương tính rồi vào viện.

Chị L.A (Đống Đa) nghe có trường hợp F0 báo y tế địa phương nhưng chờ mấy ngày cũng chưa được đưa đi điều trị, nên rất lo lắng. “Khi có dấu hiệu nghi ngờ tôi đã tự mua test nhanh về nhà xét nghiệm, kết quả dương tính, nên tôi đến bệnh viện để khám và làm xét nghiệm lại”, chị L.A cho biết. Nhiều người có kết quả test nhanh dương tính đang ngồi chờ kết quả xét nghiệm PCR. Hai mẹ con xách theo túi quần áo vào khu khám sàng lọc cho biết, khi thấy quanh nơi ở có nhiều F0, họ tự test nhanh tại nhà cho kết quả dương tính.

Trong 3 ngày vừa qua, Hà Nội đều ghi nhận trên 700 ca mắc mới, trong đó có hơn 200 F0 cộng đồng. Nhiều người lo ngại quá tải cơ sở điều trị, nên khi thấy có triệu chứng nghi ngờ đã tự test nhanh, khi có kết quả dương tính, thay vì báo với y tế địa phương, họ di chuyển thẳng tới bệnh viện. Một số người cho biết, họ lo ngại bệnh diễn tiến nhanh, nên “chủ động” muốn được thăm khám và điều trị.

Không chỉ Bệnh viện Thanh Nhàn, mà bệnh viện tầng 3 điều trị COVID-19 như Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng trong tình trạng tương tự. Theo Giám đốc Bệnh viện TS.BS Nguyễn Văn Thường, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng thường tiếp nhận người bệnh tự test nhanh COVID-19 có kết quả dương tính tại nhà đến thẳng bệnh viện. Theo phản ánh của người dân, tất cả đều do lo ngại nếu là F0, khai báo với y tế địa phương phải vài ngày mới được đưa đến cơ sở điều trị.

Nhiều người tự test nhanh dương tính đến thẳng Bệnh viện Thanh Nhàn.

BSCKII Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Việc người dân tự ý di chuyển với quãng thời gian rất dài để tới bệnh viện dẫn đến nguy cơ lây nhiễm COVID-19, gây nên tình trạng quá tải cho bệnh viện. Khu khám sàng lọc của chúng tôi có phân luồng, nhưng với mức độ ồ ạt của bệnh nhân đã ảnh hưởng đến công tác phân luồng của bệnh viện”.

Theo BS Hường, mỗi ngày có trên 20 bệnh nhân tự làm xét nghiệm có kết quả dương tính đến Bệnh viện Thanh Nhàn. “Bệnh nhân tự đến phòng khám của chúng tôi chờ đợi bệnh viện tiếp nhận và làm kết quả PCR. Thời gian chờ đợi lâu, chỗ ngồi có hạn, gây ra lây nhiễm chéo tại khu vực cách ly”, BS Hường nói.

Những bệnh nhân test nhanh tại nhà dương tính, hoặc bệnh nhân có triệu chứng nhưng không biết khi đến thăm khám, qua test nhanh phát hiện dương tính, được chuyển sang phòng khám dịch tễ và tiếp tục chờ đợi làm PCR. Gần như các bệnh nhân có test nhanh dương tính thì khi làm PCR 99% là dương tính. Bệnh nhân sẽ được phân tầng điều trị, nếu triệu chứng nhẹ sẽ chuyển về các cơ sở thu dung tuyến dưới. Còn nặng sẽ phân tầng 2, 3 để điều trị. “Chúng tôi có bệnh nhân ở tầng 1 mong được vào bệnh viện để điều trị. Đây là gánh nặng cho bệnh viện bởi nếu để số giường điều trị cho bệnh nhân tầng 1 sẽ mất đi cơ hội điều trị cho bệnh nhân tầng 3 (bệnh nhân nặng nguy kịch) có cơ hội cứu sống được; số giường giảm đi, chúng tôi không thể nhận thêm bệnh nhân tầng 3 ở nơi khác chuyển đến”, BS Hường phân tích.

Chính vì vậy, khi test nhanh dương tính tại nhà, người dân cần bình tĩnh, tự cách ly trong phòng, sau đó gọi điện thông báo với y tế phường, để y tế phường báo với CDC Hà Nội lấy mẫu và phân tầng đưa đi cách ly, không tự ý thực hiện.

Có đủ cơ sở điều trị?

Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, Hà Nội có 15.959 ca mắc COVID-19, trong đó có tới 6.069 ca cộng đồng. Riêng từ ngày 11-10 đến nay, Hà Nội đã có gần 13.000 ca mắc, trong đó nhiều nhất là quận Đống Đa, gần 1.500 ca. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, với tình hình dịch phức tạp như hiện nay, dự báo số ca mắc COVID-19 của Thủ đô còn tăng cao hơn nữa, lên tới 1.000 ca mỗi ngày. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng hơn Delta.

Trước lo ngại của người dân về quá tải bệnh viện điều trị F0, BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội khẳng định: Hiện Hà Nội đang điều trị hơn 5.600 bệnh nhân, trong khi đó đã có phương án điều trị cho 50.000-100.000 bệnh nhân, nên giờ chưa quá tải. Theo phân tầng điều trị F0 của Hà Nội, thì tầng 1 là tuyến y tế cơ sở, trạm y tế lưu động và tại nhà. Tầng 2 gồm 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách. Tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến Trung ương.

BS Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19 nặng.

BS. Nguyễn Lan Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, Thanh Nhàn được phân công là tuyến cuối điều trị bệnh nhân COVID-19 (tầng 3 – điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch), với 300 giường, trong đó 250 giường ICU để điều trị bệnh nhân nặng, 50 giường cho bệnh nhân có mức độ trung bình. Hiện nay có khoảng 120 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 50% bệnh nhân nặng, còn lại bệnh nhân trung bình nhưng thuộc đối tượng nguy cơ cao với nhiều bệnh nền, cao tuổi, khó vận động, béo phì...

“Những ngày qua chúng tôi bị quá tải vận chuyển bởi người dân tự xét nghiệm phát hiện dương tính và tự tìm đến bệnh viện, các bệnh nhân đều test nhanh khi đến đây, lại được test PCR để khẳng định, nếu dương tính, chúng tôi phân loại, hầu hết bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng nên thêm công việc đưa bệnh nhân về lại tuyến điều trị phía dưới. Chính vì vậy, để giúp chúng tôi giảm tải, dồn sức điều trị bệnh nhân nặng, người dân khi nghi ngờ mắc COVID-19 nên liên lạc với các trung tâm y tế quận huyện, phường xã, để được làm xét nghiệm khẳng định và phân loại điều trị phù hợp. Đồng thời, bớt tự ý di chuyển giảm nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng”, bà Hương cho biết.

Người dân sau khi test nhanh dương tính tại nhà đã đến Bệnh viện Thanh Nhàn, đang ngồi chờ kết quả xét nghiệm khẳng định.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang được phân công điều trị ở tầng 3, hiện mới tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân, trên số giường được giao 250. Theo TS.BS Nguyễn Văn Thường, dù ca mắc tăng nhưng Hà Nội vẫn đáp ứng tốt công tác điều trị, với khoảng 6.000 bệnh nhân đang điều trị như hiện nay. Vì chỉ tính sơ khả năng tiếp nhận tại các khu điều trị Đền Lừ 2.000, khu Thượng Thanh 2.000, KTX Phenikaa 600, bên cạnh đó còn chuẩn bị hơn 3.000 giường tại các bệnh viện ở Hà Nội, cùng một số điểm tại Hoàng Mai, Hà Đông cũng đang khởi động... Hà Nội có đủ khả năng bố trí khoảng 12 nghìn giường điều trị COVID-19, do vậy, người dân cần bình tĩnh hợp tác cùng với chính quyền và ngành y tế. Nhất là khi Hà Nội đang triển khai việc cách ly, điều trị tại nhà với bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, TP đã có phương án xây dựng kịch bản có 100.000 ca bệnh; hiện đang có 1.000 giường hồi sức tích cực và sẽ huy động thêm 1.000 giường nữa để đảm bảo công tác cấp cứu. Bên cạnh đó, tất cả các giường đều lắp đặt hệ thống oxy.

Y tế cơ sở có lúng túng?

Theo phản ánh của người dân, có người sau khi test nhanh dương tính, phải chờ đợi xét nghiệm PCR mãi mới có kết quả, sau đó lại chờ đợi tới vài ngày mới được đưa đi cơ sở điều trị, dẫn đến tâm lý lo lắng. Có lẽ vì nỗi lo đó, nên nhiều người sau khi test nhanh dương tính, đã đi thẳng đến bệnh viện thay vì báo cho y tế địa phương. Thậm chí, theo BS Nguyễn Thu Hường, có người bệnh vào đây cho biết, họ báo lên Trạm Y tế phường tôi test nhanh dương tính, nhưng y tế phường hướng dẫn người dân đi đến Bệnh viện Thanh Nhàn khám. “Cán bộ y tế cơ sở không hướng dẫn người bệnh ở lại theo dõi, phân tầng, do vậy việc người dân tự ý đến viện cũng là trách nhiệm của cán bộ y tế khi chưa làm cho người dân tin tưởng”, BS Hường nói.

BS Hường cũng mong Sở Y tế đào tạo, huấn luyện kiến thức chuyên môn cho y tế cơ sở, trước hết là biết giám sát khi người dân là F0, biết phân tầng điều trị, để người dân tin tưởng yên tâm ở nhà theo dõi, điều trị, thay vì lên thẳng bệnh viện gây khó khăn cho công tác phân luồng.

Mỗi ngày có thêm từ 600-700 F0, liệu y tế có lúng túng?

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội khóa XVI vào hôm 9-12 về năng lực của y tế cơ sở, bà Trần Nhị Hà cho biết, một trạm y tế chỉ có từ 5-10 cán bộ y tế, kể cả các xã, phường có tỉ lệ dân số rất cao. Đã có lúc dân số cao gây quá tải cho hệ thống y tế. Có thể thừa nhận chất lượng cơ sở y tế cơ sở chưa cao, các trạm y tế cũng xuống cấp, trang thiết bị còn thiếu… Về giải pháp, Sở Y tế sẽ tham mưu về chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế; ứng dụng thêm công nghệ thông tin trong việc quản lý sức khỏe người dân và tham mưu UBND TP thành lập Đại học Y khoa để đào tạo thêm nhân lực.

Trong bối cảnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, y tế cơ sở đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tiếp cận, theo dõi điều trị F0 nhẹ tại nhà, đặc biệt là phải nhận biết dấu hiệu nặng của bệnh nhân để chuyển tầng kịp thời, có thế mới hạn chế được nguy kịch và tử vong. Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, Hà Nội cần tăng cường trạm y tế lưu động, có cơ sở vật chất, nhưng phải có trang bị tối thiểu như thuốc, oxy, thiết bị cấp cứu ban đầu. “Quan trọng là phải tập huấn kiến thức để hình thành đội ngũ y tế cơ sở có năng lực, không cần kiến thức cao siêu, nhưng những dấu hiệu chuyển nặng cơ bản phải biết để chuyển tuyến kịp thời. Nếu lực lượng y tế cơ sở mỏng thì huy động cán bộ y tế lấy từ các trường, y tế của các bộ, ngành hoặc của các cấp cao hơn”, ông Phu nói.

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/ha-noi-sap-don-dot-covid-19-moi--i637803/