Hà Nội sắp mưa dông, khả năng có lốc sét và mưa đá
Những giờ tới, vùng mưa dông sẽ phát triển mở rộng sang các quận lân cận thuộc trung tâm thành phố Hà Nội. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét mưa đá và gió giật mạnh.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị dông sét và ra đa thời tiết cho thấy mây đối lưu hình thành trên khu vực huyện Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Phú Xuyên. Những vùng mây này có xu hướng di chuyển và mở rộng về phía các quận nội thành Hà Nội.
Trong khoảng từ nay đến 3 giờ tới khu vực huyện nói trên có mưa rào và dông. Vùng mưa dông sẽ phát triển mở rộng sang các quận lân cận thuộc trung tâm thành phố Hà Nội. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét mưa đá và gió giật mạnh.
Trước đó vào trưa nay, nhiều khu vực ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ ghi nhận có dông lốc mạnh kèm theo mưa đá. Tại thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), cây xanh gãy đổ kèm mưa lớn ảnh hưởng lớn đến giao thông, một số ô tô bị cây bật gốc đè vào.
Tại Phú Thọ, trưa 24/4, cơn dông lốc kéo dài khoảng 30 phút đã gây mưa lớn kèm gió giật mạnh tại TP Việt Trì và các địa phương lân cận. Đặc biệt một số nơi đã xuất hiện mưa đá, gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Sau cơn mưa dông, cây xanh trên một số trục đường đã bị gãy đổ, mưa lớn cũng gây ngập cục bộ một số tuyến đường tại khu vực Thanh Miếu, Nông Trang...
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) cho biết, trong giai đoạn giao mùa hiện tượng mưa dông lốc sét kèm mưa đá ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ không bất thường.
"Thông thường hàng năm cứ đến giai đoạn này lại ghi nhận những trận mưa dông lốc sét và thậm chí mưa đá ở một vài nơi. Hiện tượng này khả năng cao sẽ còn lặp lại trong giai đoạn giao mùa từ tháng 4 - tháng 5 và đầu tháng 6" - ông Hưởng khuyến cáo.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai vừa có văn bản gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An về việc ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả (nếu có); khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả các đợt mưa lớn, dông lốc và gió giật mạnh vừa qua để sớm ổn định đời sống.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình cấp tỉnh, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh để giảm thiểu thiệt hại.