Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 413km.
Trong buổi làm việc với ông Narayan M. Vernekar - Giám đốc Ban Hạ tầng Công nghiệp nặng, Tập đoàn Larsen & Toubro (Ấn Độ), ngày 21/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 413km, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin thêm cho đối tác về những dự án đường sắt đô thị mà Hà Nội đã, đang triển khai trong thời gian qua. Thành phố đã hoàn thành và vận hành thương mại tuyến Cát Linh - Hà Đông và đang triển khai hai tuyến đường sắt đô thị, điển hình như đoạn Nhổn - ga Hà Nội sử dụng vốn vay của Pháp, Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Trong dự án Nhổn – Ga Hà Nội đoạn trên cao với chiều dài khoảng 8,5km, đã hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại được 6 tháng qua. Đoạn ngầm của dự án là khoảng 4km, hiện đang thi công kết cấu ở các ga ngầm song song với đúc vỏ hầm và khoan hầm.
Dự án đường sắt đô thị thứ hai đang triển khai là tuyến đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (JICA). Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư vào cuối năm 2024, hiện đang hoàn thiện thủ tục trình phê duyệt điều chỉnh dự án để tổ chức đấu thầu và thi công theo kế hoạch đề ra của thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, trong kế hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 413km với nhu cầu vốn thực hiện đầu tư giai đoạn này khoảng 37 tỷ USD.

Ảnh minh họa.
Đến năm 2045, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 5 tuyến còn lại, dài hơn 200 km, với nhu cầu vốn khoảng 18 tỷ USD. Trong đó, ba phân kỳ đầu tư gồm: giai đoạn 2024-2030, hoàn thành thi công xây dựng 96,8km, sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 14,602 tỷ USD; giai đoạn 2031-2035, hoàn thành đầu tư xây dựng 301km, sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,572 tỷ USD; giai đoạn 2036-2045, hoàn thành đầu tư xây dựng 200,7km, sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 18,252 tỷ USD.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của đoàn công tác Tập đoàn Larsen & Toubro, Ấn Độ nhằm thúc đẩy các nội dung hợp tác với Thủ đô Hà Nội.
Larsen & Toubro là tập đoàn xây dựng hàng đầu của Ấn Độ, hoạt động trong lĩnh vực EPC cho các dự án đường sắt, bao gồm đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị; hạ tầng dân dụng, đường hầm, cảng biển, cầu bao gồm cầu vượt biển; dự án nhà máy điện hạt nhân, nhiệt điện và thủy điện. Vì vậy, việc nghiên cứu khả năng hợp tác với Tập đoàn Larsen & Toubro phù hợp với định hướng phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nói chung, cũng như định hướng, chủ trương phát triển đường sắt đô thị của Thủ đô Hà Nội nói riêng. Hà Nội luôn mong muốn nhận được sự hỗ trợ và hợp tác từ các tập đoàn hàng đầu thế giới về đường sắt như Tập đoàn Larsen & Toubro.
Trao đổi tại cuộc làm việc, ông Narayan M. Vernekar cho biết, Tập đoàn Larsen & Toubro đã xây dựng các tuyến metro tại nhiều thành phố lớn của Ấn Độ như Delhi, Mumbai, Kolkatam, Chennai… và triển khai một số dự án metro tại Qatar, Ai Cập, Mauritius. Do đó, Tập đoàn Larsen & Toubro mong muốn có cơ hội tham gia các dự án đường sắt đô thị của Thủ đô Hà Nội.
Ông Narayan M. Vernekar nhấn mạnh, Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ tốt đẹp, việc Tập đoàn Larsen & Toubro hợp tác với Hà Nội trong các dự án này sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ bền chặt giữa hai nước. Với những dự án đường sắt đô thị mà Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn đã đề cập, ông Narayan M. Vernekar cho biết sẽ tham vấn các đối tác để tìm kiếm cơ hội hợp tác cụ thể.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-se-co-10-tuyen-duong-sat-do-thi-304528.htm