Hà Nội sẽ có 6 Sở mới từ ngày 1/3

Kỳ họp chuyên đề thứ 21 của HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND TP Hà Nội.

Sáng 25/2, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, đã khai mạc kỳ họp thứ 21 (kỳ chuyên đề) với nhiều nội dung quan trọng, cấp thiết cho sự phát triển của Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, kỳ họp sẽ quyết định các nội dung liên quan đến công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội và đề xuất phương án sắp xếp, kiện toàn của thành phố.

Kỳ họp chuyên đề thứ 21 của HĐND TP Hà Nội.

Kỳ họp chuyên đề thứ 21 của HĐND TP Hà Nội.

Sau phiên khai mạc, với sự thống nhất cao (84/84 đại biểu), HĐND TP Hà Nội đã thống nhất với phương án trình của UBND TP về việc thành lập, tổ chức lại 8 cơ quan chuyên môn: Thành lập Sở Tài chính trên cơ sở hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính; Thành lập Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông (NN&PTNT) TP Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hà Nội; Thành lập Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Hà Nội và Sở KH&CN TP Hà Nội; Thành lập Sở Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Sở Nội vụ và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Tổ chức lại Văn phòng UBND TP Hà Nội trên cơ sở sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND TP Hà Nội; Thành lập Sở Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải.

HĐND TP Hà Nội cũng thông qua việc thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ban Dân tộc thành phố; Thành lập Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Khu Công nghiệp TP Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.

Sau sắp xếp, Hà Nội có 15 sở và 1 cơ quan tương đương (giảm 6 sở so với năm 2024) bao gồm: Sở Nội vụ; Sở Tư pháp; Sở Tài chính; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Xây dựng; Sở KH&CN; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Thanh tra Thành phố; Văn phòng UBND thành phố; Sở Dân tộc và Tôn giáo; Sở Du lịch; Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Ban Quản lý khu công nghệ cao và khu công nghiệp thành phố.

Riêng Trung tâm Phục vụ Hành chính công Thành phố đang thực hiện thí điểm theo quy định của Trung ương.

HĐND TP giao UBND TP ban hành quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác theo quy định để tổ chức thực hiện mô hình tổ chức bộ máy mới từ ngày 1/3/3025; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện chuyển giao, tiếp nhận, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tài liệu, con dấu, trụ sở làm việc, tài chính, tài sản theo quy định.

Tại kỳ họp chuyên đề lần này, TP Hà Nội sẽ tiếp tục quyết nghị các vấn đề quan trọng khác như: Điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố năm 2025 tăng trưởng 8% trở lên; chủ trương đầu tư của 4 dự án đầu tư công quan trọng của thành phố gồm: Cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo; cầu Ngọc Hồi; điều chỉnh chủ trương dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.

Lãnh đạo HĐND TP Hà Nội cho biết, đây đều là những dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường, cũng là những vấn đề khó khăn, thách thức, đặt ra trong quá trình phát triển của thành phố, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo, được cử tri, nhân dân mong đợi và các công việc cũng đang được thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt.

Trung Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ha-noi/ha-noi-se-co-6-so-moi-tu-ngay-13-20250225090100598.htm