Hà Nội sẽ có tòa tháp 108 tầng trong Thành phố Thông minh
Dự án Thành phố Thông minh có tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD được xây dựng dựa trên quy hoạch dọc trục đường 11km từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài.
Tại lễ động thổ và công bố dự án tổ chức sáng 6/10/2019, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, Thành phố Thông minh sẽ có điểm nhấn là tháp Tài chính 108 tầng lấy cảm hứng thiết kế từ hoa sen và “có vai trò trung tâm tài chính của Hà Nội và cả khu vực Đông Nam Á”.
Dự án Thành phố Thông minh có tổng diện tích 272ha với tổng mức đầu tư gần 4,2 tỷ USD và sẽ được phát triển trong năm giai đoạn, trong đó, giai đoạn đầu sẽ được liên doanh giữa Sumitomo Corporation (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG phát triển trên diện tích 72ha và tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD.
Giai đoạn tiếp theo sẽ bắt đầu vào năm sau và toàn bộ năm giai đoạn dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2028. Dự án nằm trên địa phận ba xã là Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ của huyện Đông Anh, bên trái đường Võ Nguyên Giáp theo hướng cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài.
Tòa tháp Tài chính dự kiến xây dựng tại dự án Thành phố Thông minh sẽ trở thành tòa tháp cao nhất Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, Landmark 81 là tòa tháp cao nhất nước với chiều cao 461 mét; trong khi Landmark 72 là tòa tháp cao nhất hà Nội với chiều cao 336 mét.
Bà Nga nhấn mạnh, dự án Thành phố Thông minh được phát triển dựa trên ý tưởng "Rồng đón ngọc" với điểm nhấn là tòa tháp tài chính 108 tầng sẽ góp phần đưa Hà Nội trở thành thủ đô hiện đại bậc nhất Đông Nam Á và sánh ngang với các thủ đô của các nước phát triển trên thế giới.
Tính đến thời điểm hiện tại, dự án Thành phố Thông minh do BRG và đối tác Nhật Bản phát triển là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Hà Nội và là một trong những dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Chủ đầu tư cho biết, dự án Thành phố Thông minh sẽ có sáu tính năng thông minh, bao gồm năng lượng thông minh, giao thông thông minh, quản trị thông minh, học tập thông minh, kinh tế thông minh và đời sống thông minh.
Theo đó, năng lượng tái tạo sẽ được ưu tiên sử dụng cùng với việc tối ưu hóa sử dụng năng lượng thông qua tích hợp hệ thống quản lý tòa nhà, căn hộ với hệ thống trung tâm.
Tuyến phố có không gian chung sẽ được thiết lập cùng với hệ thống giao thông công cộng thông minh, giảm bớt việc sử dụng phương tiện cá nhân.
Hệ thống lớp học thông minh sẽ kết nối giáo viên từ các nước trên thế giới giảng dậy qua các lớp ảo trên Internet, giúp tối đa hóa trải nghiệm cá nhân.
Dự kiến dự án sẽ lắp đặt hệ thống giám sát và cảnh báo thông minh đa chức năng nhằm giám sát chất lượng không khí, nước, thời tiết, nguy cơ thảm họa cũng như an ninh, đảm bảo an toàn tối đa cho cư dân.
Dự án cũng sẽ ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào trong cuộc sống như công nghệ 5G, nhận diện khuôn mặt và công nghệ blockchain, góp phần cải thiện các dịch vụ của thành phố Hà Nội.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, với việc triển khai dự án, Hà Nội sẽ có điều kiện tiếp nhận các kinh nghiệm trong phát triển đô thị thông minh, bền vững; các công nghệ, kỹ thuật trong xây dựng, quản lý hiện đại cũng như ứng dụng các công nghệ mới trong vận hành, quản lý đồng bộ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội từ các nhà đầu tư.
Dự án cũng sẽ góp phần thúc đẩy đúc rút kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề về quy hoạch, hạ tầng giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường phát triển theo hướng bền vững dựa trên nền tảng công nghệ số thông minh.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định dự án Thành phố thông minh đánh dấu bước tiến mới trong việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam trong bối cảnh việc xây dựng và phát triển thông minh các khu đô thị đã trở thành xu hướng toàn cầu.
Việt Nam đã có những bước đi và sự chủ động để đón xu thế này, thể hiện rõ nét qua Đề án phát triển đô thị thông minh của Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.