Hà Nội sẽ đón 3-4 đợt không khí lạnh tăng cường trong tháng 11
Dự báo, trong tháng 11, trên Biển Đông có thể xuất hiện 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới nhưng ít có khả năng ảnh hưởng đến Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội sẽ chịu ảnh hưởng của 3-4 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường.
Không khí lạnh xu hướng gia tăng về cường độ và tần suất
Theo dự báo thời tiết Hà Nội của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời kỳ cuối tháng 10 và đầu tháng 11, không khí lạnh có xu hướng hoạt động suy yếu hơn. Đến khoảng tuần giữa tháng 11, không khí lạnh có xu hướng hoạt động gia tăng hơn về cường độ và tần suất.
Trong khi đó, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ nhận định, trong tháng 11, trên Biển Đông có thể xuất hiện 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới nhưng ít có khả năng ảnh hưởng đến Hà Nội. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian nói trên, Hà Nội sẽ chịu ảnh hưởng của 3-4 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường.
Theo cơ quan khí tượng, so với trung bình cùng kỳ nhiều năm, nhiệt độ trung bình tháng 11 tới tại Hà Nội ở mức cao hơn, tổng lượng mưa ở mức thấp hơn. Mực nước hạ lưu các sông Đà, sông Hồng, sông Đuống... phụ thuộc điều tiết của các hồ thủy điện.
Trong hôm nay, ở Bắc Bộ có mưa vài nơi, khu vực đồng bằng và ven biển có mưa, mưa rào rải rác. Sáng sớm và đêm trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét.
Từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi hiện đã có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và giông. Lượng mưa tính từ 8h ngày 25/10 đến 8h ngày 26/10 có nơi trên 300mm như: Hồ Kim Sơn (Hà Tĩnh) 301.2mm, Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 380.4mm, Tam Trà (Quảng Nam) 316.6mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 368.2mm,…
Chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển
Ngày 26/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 551/VPTT gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định về việc chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển.
Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 26- 27/10, vùng biển khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2.
Để chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến gió mạnh, sóng lớn trên biển.
Các tỉnh, thành phố cần thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, cũng như phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các tỉnh, thành phố sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Cũng theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, ngày và đêm 26/10, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, tổng lượng 40-80mm, có nơi trên 120mm. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và Phú Yên có tổng lượng 15-30mm, có nơi trên 60mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Nam bộ có tổng lượng 20-40mm, có nơi trên 70mm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: cấp 1.
Bên cạnh đó, từ nay đến ngày 27/10, trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-5m, hạ lưu từ 1-3m. Đỉnh lũ trên các sông khả năng lên mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2; riêng sông Kiến Giang (Quảng Bình) khả năng lên mức báo động 2- báo động 3.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: cấp 1.
Do đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định đời sống và sản xuất.
Đồng thời, theo dõi thông tin dự báo về sóng lớn trên biển; diễn biến của mưa, lũ ở các tỉnh Trung bộ; triều cường ở Nam bộ, cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo, cảnh báo để thông tin đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động các biện pháp ứng phó. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo tình hình về Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.