Hà Nội sẽ giải quyết gần 70 đề xuất liên quan đến dự án đường Vành đai 4
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trực tiếp giải quyết những đề xuất của người dân thủ đô liên quan đến việc triển khai dự án đường Vành đai - 4 Vùng Thủ đô, đặc biệt là chỉ đạo tập trung cho GPMB và tái định cư cho người dân.
Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2022; Đề án xây dựng huyện thành quận và triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trả lời trực tiếp từng nội dung 33 đề xuất của huyện.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, huyện Hoài Đức cần tập trung cho các nhiệm vụ để triển khai dự án đường Vành đai 4; trong đó tập trung cho giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân.
“Phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và giao chỉ tiêu cho từng cá nhân, từng xã, thành nội dung cam kết thi đua đảm bảo đạt kế hoạch", Chủ tịch UBND Thành phố nói. Đồng thời nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở vào cuộc đảm bảo sự thống nhất đồng bộ; các sở ngành không thể chậm trễ…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh khâu giải phóng mặt bằng và đảm bảo tái định cư cho người dân khi làm đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh TTTĐ.
"Nếu đảm bảo đúng tiến độ, chúng ta sẽ có sự thay đổi căn bản trong nhận thức, phương thức và tổ chức thực hiện, tạo thành sự mẫu mực để triển khai các dự án lớn khác của thành phố", Chủ tịch UBND Thành phố cho hay.
Đối với những vấn đề để đưa huyện lên quận, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị huyện bám sát vào việc phân cấp, tự chủ triển khai các trạm bơm trên cơ sở thành phố sẽ hỗ trợ huyện triển khai.
"Phân cấp không phải "phủi" việc cho các đồng chí, mà phân cấp cả thủ tục, đảm bảo cả kinh phí và cơ chế của thành phố. Vì thế huyện phải chủ động và có tâm thế mạnh mẽ để làm" - Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.
Về việc hết tháng 10 bàn giao mốc chỉ giới đỏ đường Vành đai 4, Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm trình thành phố quy định về chỉ định thầu đối với danh mục dự án theo quy định, quy hoạch khu tái định cư. Đồng thời, yêu cầu các Sở khi các địa phương trình xin ý kiến, phải phối hợp giải quyết nhanh, giảm bớt thủ tục hành chính. Để sớm hoàn thiện đề án xây dựng huyện thành quận, huyện cũng đã đưa ra một số đề xuất cụ thể để sớm hoàn thành các tiêu chí. Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét đề xuất triển khai 5 dự án xin chủ trương đầu tư và 9 dự án bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2026 của huyện để đáp ứng tiêu chí đường giao thông lên quận.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các địa phương nói chung cần phải có quy hoạch, lập phương án chủ trương đầu tư dự án cho giai đoạn sau. Về dự án nhà máy xử lý nước thải Vân Canh, huyện đã bàn giao mặt bằng từ năm 2016, nhưng chưa được đầu tư, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phân cấp, ủy quyền dự án này cho UBND huyện Hoài Đức chủ động triển khai thực hiện để đảm bảo tiến độ dự án hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2023.
UBND huyện Hoài Đức đề xuất Sở Nội vụ hướng dẫn huyện xây dựng phương án đơn vị hành chính đối với 12 xã, thị trấn không đạt tiêu chí phường về dân số và diện tích tối thiểu vào năm 2025. Về việc này, Sở Nội vụ đề xuất huyện thành lập tổ công tác với 12 xã không đạt tiêu chí và chủ động xây dựng phương án để phù hợp với các quy định hiện hành, cũng như phong tục tập quán, văn hóa địa phương.
Về việc sớm thành lập và giao chủ đầu tư thực hiện Cụm công nghiệp Minh Khai và Cát Quế, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Công Thương và Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn huyện triển khai theo đúng quy định của pháp luật...
Tại buổi làm việc với UBND huyện Đông Anh cùng nội dung như trên, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo giải quyết 36 kiến nghị, đề xuất của huyện Đông Anh.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh chỉ đạo các sở, ngành và huyện Đông Anh phối hợp chặt chẽ, sát sao để giải quyết các nhiệm vụ đề ra, trên tinh thần chung là đoàn kết, quyết tâm, hợp tác, chia sẻ; tăng cường làm việc trực tiếp, cụ thể để tháo gỡ khó khăn, không để tình trạng "đứt đoạn" thông tin, "văn bản đi, văn bản lại"; đẩy nhanh tiến độ giải quyết từng kiến nghị, từng phần việc, từng công đoạn, chú ý cả những khâu tưởng chừng đơn giản như văn thư.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh giao Văn phòng UBND Thành phố tham mưu để ban hành sớm kết luận cuộc làm việc; trong đó cụ thể từng nội dung chỉ đạo giải quyết 36 đề xuất, kiến nghị của huyện Đông Anh để làm căn cứ thực hiện và theo dõi, đôn đốc kiểm tra, giám sát.
Hà Nội phê duyệt chỉ giới đường đỏ Vành đại 4 - Vùng Thủ đô.
Đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được 3/5 đoạn đường
Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, thành phố đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được 3/5 đoạn với tổng chiều dài 43,7 km (đoạn 1 từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến cầu Hồng Hà dài 11 km; đoạn 2 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 dài 17,7 km; đoạn 3 từ quốc lộ 6 đến quốc lộ 1A dài 15 km.
Với 2 đoạn còn lại dài 14,5 km (đoạn từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 32 dài 9,5km và đoạn từ quốc lộ 1A đến cầu Mễ Sở dài 5 km) sẽ phê duyệt trong tháng 9/2022. Dự kiến, Ban quản lý dự án sẽ cắm xong mốc chỉ giới trong tháng 10-2022.
Về công tác cắm mốc giải phóng mặt bằng bàn giao cho địa phương, Ban quản lý dự án đã hoàn thành công tác cắm mốc đối với 3 đoạn đã có quyết định phê duyệt chỉ giới với tổng chiều dài 36 km.
Hiện còn 22,2 km, trong đó có 14,5 km chưa phê duyệt chỉ giới và 6,5 km đoạn qua sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức đang thống nhất thỏa thuận phương án thiết kế với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cộng với 1,2 km thuộc phạm vi một số nút giao dự kiến sẽ cắm xong mốc trong tháng 10/2022. Riêng các nút giao kết nối với đường song hành sẽ cắm theo thiết kế được duyệt.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia, có tổng chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Điểm đầu nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long.
Dự án qua địa phận thành phố Hà Nội (dài 58,2 km), Hưng Yên (dài 19,3 km), Bắc Ninh (dài 25,6 km) và tuyến nối (dài 9,7 km). Mặt cắt ngang hoàn thiện rộng 90 - 135m, trong đó, đoạn không có đường sắt song hành rộng 90m, đoạn thông thường có đường sắt song hành rộng 120 m, đoạn đi ngoài đê sông Đáy rộng 135 m. Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng.