Hà Nội sẽ thu phí xe vào nội đô: Cần phát triển vận tải công cộng
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc hạn chế xe trong nội đô là cần làm nhưng phải đồng bộ với các giải pháp, trong đó có phát triển vận tải công cộng.
Để thu phí ô tô vào nội đô, chuyên gia cho rằng cần phải phát triển vận tải công cộng để người dân có lựa chọn. Ảnh: Anh Trọng
Vận tải hành khách công cộng mới đáp ứng 12% nhu cầu
Ông Nguyễn Văn Dư, chuyên gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), nói rằng, việc dùng các chính sách hành chính, kinh tế để giảm lượng xe trong nội đô là cần thiết, nhiều thành phố phát triển trên thế giới đã làm. Tuy nhiên, cách thực hiện cần được lên phương án, tính toán, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, khoa học. Sau đó, đề án cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của đại diện các tổ chức xã hội.
Theo ông Dư, việc chọn tất cả các quận nội thành để thực hiện ngay một lúc cần được tính toán kỹ để tránh ảnh hưởng đến người dân. Trong lộ trình thực hiện, Hà Nội cho phép khoanh vùng từng khu vực, từng tuyến phố đang có nguy cơ ùn tắc cao để thực hiện trước. Đây là giải pháp cơ quan thực hiện đề án cần tính toán và có thể thí điểm trước khi nhân rộng.
Ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, nói rằng, đề án liên quan thu phí, việc đi lại hằng ngày của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội (Hiệp hội Vận tải, Hiệp hội Taxi, Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội…), nhưng các đối tượng bị tác động này chưa được tiếp cận, có ý kiến. Nêu quan điểm cá nhân về đề án, ông Thanh nói rằng, để thu phí hạn chế xe cá nhân vào nội đô thì hai yếu tố quan trọng nhất là hạ tầng và vận tải công cộng phải đáp ứng được nhu cầu của người dân.
“Theo tôi, hiện nay sau cả chục năm phát triển hạ tầng để chuẩn bị cho việc hạn chế xe cá nhân, hạ tầng giao thông (lòng đường, vỉa hè, đường dành cho xe buýt, bãi đỗ xe…) tại Thủ đô đến nay mới đạt khoảng 10%, trong khi yêu cầu là khoảng 24% quỹ đất đô thị. Nhiều tuyến đường, công trình giao thông góp phần làm tăng quỹ đất giao thông như Vành đai 1, Vành đai 2, trục đường hướng tâm thì thi công mãi không xong”, ông nói.
Về khung thời gian, ông Thanh cho rằng, thu phí từ 5 giờ đến 21 giờ là quá rộng, quá dài. Ùn tắc Hà Nội hiện nay chỉ xảy ra vào giờ cao điểm; để không ảnh hưởng nhiều đến đi lại, cũng giúp người dân có quyền lựa chọn, chỉ nên tính toán thu phí trong giờ cao điểm sáng, chiều; không nên kéo dài từ sáng đến đêm như phía tư vấn đề xuất.
Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách Hà Nội cho rằng, thu phí với xe vào nội đô phải gắn với phát triển vận tải hành khách công cộng, tạo thuận lợi cho người dân có thêm lựa chọn mới khi không dùng phương tiện cá nhân. Ngoài các tuyến đường sắt đô thị “xương sống” để đưa người từ ngoại thành vào nội thành liên tục vỡ tiến độ, thi công mãi không xong, các tuyến buýt thành phố có chủ trương mở mới để tăng năng lực vận chuyển 2 năm nay các đơn vị liên quan đã không hoàn thành nhiệm vụ.
Riêng năm 2021 thành phố có kế hoạch mở mới 30 tuyến buýt, trong đó có 9 tuyến xe buýt điện, đến nay đã cuối năm nhưng vẫn đứng yên. Theo Nghị quyết 04 (Đề án quản lý phương tiện giao thông) được HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2017, năm 2020 vận tải hành khách công cộng Hà Nội phải đáp ứng 30-35% nhu cầu của người dân, nhưng hiện nay mới chỉ khoảng 12% nhu cầu.
Dự kiến thu phí từ năm 2024
Sau khi phía tư vấn trình phương án lập 87 trạm thu phí ô tô vào nội đô, cuối tuần qua, trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói rằng, tất cả các trạm thu phí được khảo sát và lập trong đề án, đơn vị thực hiện sẽ không dùng tiền ngân sách để đầu tư mà thực hiện bằng hình thức xã hội hóa. Đơn vị thực hiện kêu gọi nhà đầu tư vào lập trạm, sau đó được hoàn vốn thông qua thu phí trong từng năm.
Khung mức phí chưa được trình HĐND thành phố phê duyệt nên chưa thể đưa ra mức phí thu theo lượt xe. Sở GTVT đang yêu cầu các đơn vị liên quan lập khung giá thu phí để trình HĐND thành phố trong kỳ họp cuối năm nay để HĐND xem xét, chấp thuận. Từ năm 2022 đến 2023, tập trung hoàn thiện đề án, năm 2024 hoàn thành các trạm thu phí và thu phí xe vào nội đô.
Miễn phí đi tàu Cát Linh - Hà Đông 15 ngày đầu
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết, các sở, ngành, đơn vị liên quan đang triển khai các thủ tục tiếp nhận, sẵn sàng vận hành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sau khi tiếp nhận, thành phố sẽ cho tàu tuyến Cát Linh-Hà Đông chạy ngay và miễn phí 15 ngày đầu cho tất cả hành khách, trước khi thực hiện vận hành thương mại.
Giá vé tối đa là 15.000 đồng/lượt (đi toàn tuyến) và thấp nhất là 8.000 đồng. Giá vé ngày là 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng là 200.000 đồng/người (hành khách phổ thông), 100.000 đồng/người (học sinh, sinh viên, người lao động trong khu công nghiệp).
Lãnh đạo Sở GTVT nói rằng, theo khảo sát, nếu một giờ, một nút giao thông có khoảng 5.000 lượt xe đi qua Vành đai 3 để vào nội đô thì khi thực hiện đề án, lập tức sẽ giảm được khoảng 20% lượng xe không có nhu cầu đi vào nội đô. Với lưu lượng xe hiện nay, nếu vào giờ cao điểm, khu vực nội đô giảm được 20% lưu lượng xe trên đường thì ùn tắc sẽ không còn phức tạp.
Ông Viện cho biết, hiện đường Vành đai 3 ùn tắc kéo dài giờ cao điểm hằng ngày do có lượng lớn xe từ các tỉnh đi vào đây để qua Hà Nội. Cùng với phân luồng từ xa, khi lập các trạm thu phí vào nội đô, lập tức các xe này sẽ lựa chọn đường khác để đi. Ngoài ra, khi thu phí vào nội đô, một bộ phận người dân sẽ chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng.
“Mục đích của việc thu phí vào nội đô là nhằm thay đổi hành vi đi lại của người dân, khung mức phí để làm thay đổi hành vi này được Sở GTVT và đơn vị tư vấn đưa ra để trình HĐND thành phố xem xét, phê duyệt là từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/lượt/xe”, ông nói.