Hà Nội sẽ xử lý nghiêm việc găm hàng thổi giá thực phẩm, rau quả
Theo Sở Công Thương thành phố Hà Nội, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng thổi giá.
Trước tình hình một số chợ truyền thống, chợ đầu mối, một số của hàng và siêu thị có liên quan tới công ty Thanh Nga bị phong tỏa, tạm thời đóng cửa để đảm bảo phòng chống dịch, nên một số chợ dân sinh có hiện tượng tiểu thương đẩy giá thực phẩm tươi sống, rau xanh lên cao. Theo Sở Công Thương thành phố Hà Nội, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng thổi giá.
Hiện qua kiểm tra trên thị trường các mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm phẩm, rau xanh, củ quả, thịt lợn, bò, gia súc gia cầm, thủy hải sản hàng hóa vẫn dồi dào. Do có sự chuẩn bị từ trước để ứng phó với các tình huống dịch xảy ra trên diện rộng nên Hà Nội đã có dự trữ hàng hóa với số lượng lớn gấp 3 lần so với bình thường. Cùng với đó nguồn cung ổn định, phong phú nên người dân yên tâm không có tình trạng thiếu hàng hóa.
Qua khảo sát tại một số chợ dân sinh, chợ truyền thống như Nguyễn Công Trứ, Chợ Hôm Đức Viên, Thành Công, Kim Liên, Gốc Đề... cho thấy giá cả các mặt hàng như rau xanh, củ quả, thịt lợn, thịt bò, thịt gia súc gia cầm, thủy hải sản... rất dồi dào, người dân mua bán thuận lợi. Cụ thể, tại chợ một số chợ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, giá thịt lợn phổ biến ở mức từ 120.000 – 150.000 đồng/kg tùy loại; giá thịt gà ta (nguyên lông) 120.000 đồng/kg; giá lạc từ 80.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại (có tăng so với trước đó); rau muống 15.000 đồng/mớ; bí xanh 20.000 đồng/kg; trứng gà 50.000 đồng/chục.
Còn tại khu vực Thanh Xuân, thịt lợn vai giá 150.000 đồng/kg, rau muống 10.000 đồng/mớ; khoai tây 20.000 đồng/kg; bắp cải 20.000 đồng/kg; củ cải 12.000 đồng/kg; mùng tơi 5.000 đồng/mớ; chanh 15.000 - 20.000 đồng/kg; cam 35.000 đồng/kg; thanh long quả nhỏ 20.000 đồng/kg…
Tại khu vực Hoàng Mai, giá thịt bò phổ biến từ 230.000- 280.000 đồng/kg tùy loại, rau muống 15.000 đồng/mớ, chanh 20.000 đồng/kg, gừng 25.000 đồng/kg, sả 15.000 đồng/kg. Nguồn cung hàng hóa thực phẩm dồi dào, tuy nhiên, giá rau xanh có tăng nhẹ.
Chị Nguyễn Thị Loan, tiểu thương bán gà tại Chợ Hôm Đức Viên (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết, giá tăng nhẹ do việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, chi phí tăng cao. Những ngày vừa qua, người tiêu dùng đi chợ theo ngày chẵn, lẻ nên lượng tiêu thụ mạnh bởi đa phần người đi chợ thường mua ăn trong vài ba ngày. Tuy nhiên, về cơ bản, thực phẩm khá dễ mua, không có việc khan hàng sốt giá, giá cả vẫn ổn định như những ngày bình thường.
Cùng quan điểm này, chị Phạm Thị Hương, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Nguyễn Công Trứ cho biết, do người dân đi chợ theo ngày chẵn lẻ, theo khu vực nên sợ lượng khách sẽ vắng nên chị lấy ít hàng đi, chứ không có chuyện thiếu hàng, hay khan hàng, nguồn cung rất nhiều và giá bán vẫn như mọi ngày. Thịt ba chỉ, nạc vai, thăn từ 140.000-150.000 đồng/kg.
Còn về phía các siêu thị có liên quan đến ca F0 của Công ty cung ứng thực phẩm Thanh Nga cũng đã tổ chức cho phun khử khuẩn bên trong và ngoài siêu thị, nhất là các khu vực giao hàng.
Cụ thể, tại siêu thị BRGMart 275 Nguyễn Trãi, sau khi thực hiện phun khử khuẩn siêu thị, BRGMart đã cử nhân viên vận hành mới thay thế cho các trường hợp nhân viên đang cách ly theo quyết định của cơ quan chức năng để tiếp tục mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng. Đại diện hệ thống siêu thị BRGMart cho biết, bằng những biện pháp phòng dịch quyết liệt, hệ thống siêu thị BRGMart cam kết tối đa đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng, đảm bảo an toàn chống dịch cho khách hàng cũng như an toàn và sức khỏe cho toàn bộ nhân viên trong công ty.
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, để bảo vệ an toàn cho nhân viên, khách hàng, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, BRGMart đã thực hiện những biện pháp phòng dịch quyết liệt hơn. Đó là liên tục nhắc nhở các Siêu thị BRGMart và Minimart Haprofood/BRGMart nghiêm túc thực các biện pháp phòng dịch đối với nhân viên, khách hàng và nhà cung cấp như quét QRCode trước khi vào siêu thị, yêu cầu kê khai y tế, đo thân nhiệt, xịt khuẩn tay, đeo khẩu trang...
Duy trì phun khử khuẩn định kỳ 1 tuần/lần đối với tất cả siêu thị, minimart. Hàng ngày yêu cầu nhân viên sử dụng cồn 70 độ lau những nơi có nguy cơ nhiễm khuẩn cao như tay nắm cửa ra vào, quầy thu ngân, khu vực bán hàng thực phẩm...