Hà Nội siết chặt hoạt động dạy liên kết
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết sẽ thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất khi dư luận phản ánh về hiện tượng dạy liên kết, dạy ngoài giờ.
Tạm dừng để chấn chỉnh?
Từ ngày 2/10, toàn bộ các trường trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã tạm dừng dạy các tiết liên kết, hoạt động ngoài giờ chính khóa.
Theo ông Phạm Văn Ngát, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thanh Trì cho biết, ngành giáo dục huyện sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại việc tổ chức giảng dạy chương trình liên kết và hoạt động ngoài giờ chính khóa để báo cáo theo chỉ đạo chung của Bộ GD&ĐT.
Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cũng ra văn bản yêu cầu các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn yêu cầu tạm dừng toàn bộ các hoạt động liên kết trong nhà trường đến khi các trường có đầy đủ các loại hồ sơ (tờ trình, đề án dạy học, chương trình dạy học, danh sách giáo viên giảng dạy, đề án sử dụng tài sản công để liên kết) và được Phòng GD&ĐT phê duyệt.
Các trường không được sắp xếp thời khóa biểu học chương trình liên kết xen kẽ với các buổi học chính khóa của học sinh. Đồng thời tuyệt đối không được ép buộc học sinh, phụ huynh học sinh học các chương trình liên kết (giáo dục kỹ năng sống, bổ trợ tiếng Anh, câu lạc bộ nghệ thuật...) trong nhà trường dưới bất kỳ hình thức nào.
Trước đó, phụ huynh một số trường tiểu học, THCS tại Hà Nội phản ánh nhà trường đưa các tiết học liên kết vào lịch học chính khóa. Dù đây là các tiết học tăng cường có tính tự nguyện nhưng nhiều phụ huynh không đồng tình vẫn phải "tự nguyện". Điều đáng nói, việc học "tự nguyện" này phụ huynh đóng thêm tiền. Trung bình, mỗi học sinh tham gia đầy đủ các tiết học liên kết phải đóng thêm từ 300 - 700 ngàn đồng/tháng.
Trắng trợn hơn một số trường không thông báo cho phụ huynh về các tiết học liên kết mà nghiễm nhiên đưa vào danh sách học chính thức. Phụ huynh cho con học theo thời khóa biểu mà hoàn toàn không có hướng dẫn nào về được quyền tự chọn học hoặc không học tiết liên kết.
Thanh tra định kỳ và đột xuất
Về vấn đề này, ông Đào Tân Lý, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường tuyệt đối không được chèn giờ dạy liên kết vào chương trình chính khóa nếu lớp học không đủ 100% học sinh tự nguyện đăng ký tham gia.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, hiện nay, chương trình chính khóa với lớp 1, lớp 2 là 25 tiết/tuần; lớp 3 là 28 tiết/tuần; lớp 4, lớp 5 là 30 tiết/tuần. Định mức giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. Mỗi tiết học của học sinh tiểu học không quá 35 phút. Các tiết học chính khóa bắt buộc nhà trường phải thực hiện, không được cắt xén, giảm bớt. Nhà trường phải phân công giáo viên thực hiện đủ định mức tiết dạy. Khi đã thực hiện đầy đủ theo chương trình, đủ định mức của giáo viên, còn thời gian trống mới tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã quán triệt tới từng nhà trường yêu cầu việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cần đảm bảo tinh thần tự nguyện. Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm khảo sát, tổng hợp nhu cầu tham gia hoạt động ngoài giờ chính khóa, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Các trường có thể đưa ra nhiều nội dung, nhiều chương trình nhưng không để học sinh chọn tất cả nội dung đó.
Nhà trường nên khuyến cáo để học sinh chọn từ 1 - 2 nội dung để bảo đảm vừa sức, không gây áp lực cho học sinh và gây khó khăn cho phụ huynh học sinh.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản gửi các sở giáo dục và đào tạo tổ chức rà soát, chấn chỉnh nội dung này trong nhà trường.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đã quán triệt các quy định liên quan đến công tác thu chi, dạy thêm học thêm, dạy bổ trợ… và cho biết sẽ thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ năm học, nhất là với các nội dung được dư luận quan tâm, phản ánh.
Để ngăn hiện tượng ép học sinh học thêm, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường lưu ý thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó lưu ý không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).
Các nhà trường cũng cần quán triệt giáo viên tuân thủ quy định không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.