Hà Nội: Tăng cường đáp ứng công tác y tế, giám sát dịch bệnh sau bão số 3
Tính đến sáng ngày 08/9, toàn ngành Y tế Thủ đô đã thực hiện khám, chữa bệnh cho tổng số 10.745 bệnh nhân đang được điều trị nội trú; tiếp đón và khám chữa bệnh nội trú 841 bệnh nhân trong những ngày bão; khám cấp cứu, tai nạn 929 trường hợp (tai nạn giao thông 54 trường hợp, tai nạn lao động 10 ca, tai nạn sinh hoạt 92 trường hợp, …).
Theo đánh giá của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sau mưa bão, lũ lụt, có rất nhiều vi sinh vật, rác, chất thải… trôi theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Ngập lụt chính là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút và vật trung gian truyền bệnh sinh sôi. Những dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ là tiêu chảy cấp, viêm đường hô hấp, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, cảm cúm...
Do đó, ngay sau khi bão số 3 đi qua, ngành Y tế Thủ đô đã lên phương án về nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư, sẵn sàng ứng các tình huống có thể xảy ra do ô nhiễm môi trường kéo theo nguy cơ bùng phát các dịch bệnh.
Sở Y tế Hà Nội đã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường đáp ứng công tác y tế sau mưa bão, xây dựng kế hoạch tổng vệ sinh môi trường khi nước rút; kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, nước rút đến đâu khơi thông dòng chảy, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn để xử lý môi trường, dịch bệnh kịp thời đến đó; tiếp tục đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu cho người dân 24/24 giờ.
Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết, tham mưu kịp thời các phương án, biện pháp chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai; các bệnh viện tuyến thành phố, bệnh viện ngoài công lập và các bệnh viện trên địa bàn, hệ thống y tế tư nhân sẵn sàng tham gia cứu nạn, nhận và triển khai nhiệm vụ hỗ trợ khi có yêu cầu của cấp trên.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân về công tác phòng, chống dịch bệnh trong và sau mưa bão, nhất là người dân sinh sống trong vùng ngập lụt có nguy cơ bùng phát các bệnh dịch thường gặp trong và sau mưa bão (tiêu hóa, da liễu, sốt xuất huyết, mắt…).
Trước đó, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Thành ủy, UBND thành phố, Sở Y tế Hà Nội ban hành Công văn số 278/SYT-NVY về việc triển khai công tác phòng, chống lụt bão cơn bão số 3; chỉ đạo các đơn vị y tế trong và ngoài công lập trực thuộc Sở Y tế chủ động xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó cơn bão số 3, chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, tuyên truyền về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau mưa bão tại địa phương, đơn vị.
Không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ, toàn ngành Y tế đã kiện toàn các đội cấp cứu cơ động với đầy đủ thuốc và trang thiết bị, sẵn sàng sẵn sàng làm nhiệm vụ. Tuyến thành phố có 5 đội Phòng, chống dịch cơ động tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội; 5 đội Điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm tại Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Hà Nội. Tại 30 trung tâm y tế đã kiện toàn 92 đội Phòng, chống dịch cơ động và 80 đội Cấp cứu cơ động.
Các bệnh viện kiện toàn đội Cấp cứu cơ động và đội Phẫu thuật cơ động.Trước bão, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra công tác đáp ứng y tế ứng phó bão số 3 tại các cơ sở y tế trên địa bàn, kiểm tra tại bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế trên địa bàn các huyện: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Trì và Thường Tín.
Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị tiến hành điều tra, nắm số điểm có nguy cơ ngập lụt để xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, chuẩn bị cơ số thuốc điều trị các bệnh thường gặp sau mưa lũ và các hóa chất (Cloramin B, phèn chua…) để xử lý nguồn nước, môi trường.
Đồng thời, cơ quan chức năng hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút.
Ngành Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, đồng thời yêu cầu các đơn vị triển khai kế hoạch vệ sinh môi trường. Cụ thể, nước rút đến đâu, khơi thông dòng chảy, tổng vệ sinh môi trường đến đấy với mục tiêu không để dịch bệnh lây lan và bùng phát.