Hà Nội tăng cường đưa tiêu chí an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 352/KH-UBND, triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU Thành ủy Hà Nội, với trọng tâm tăng cường quản lý an toàn thực phẩm gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Cần nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng thực phẩm sạch. Ảnh: PV

Cần nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng thực phẩm sạch. Ảnh: PV

Ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển

Kế hoạch nêu rõ mục tiêu nâng cao nhận thức về vai trò của an toàn thực phẩm trong cộng đồng, từ cấp lãnh đạo, tổ chức, doanh nghiệp đến từng người dân. An toàn thực phẩm không chỉ đảm bảo sức khỏe nhân dân, mà còn đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giống nòi, bảo vệ an sinh xã hội và thúc đẩy sự phát triển bền vững của Hà Nội.

Một điểm nhấn quan trọng là đưa tiêu chí an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 34-CT/TU.

Hà Nội hướng tới xây dựng mô hình quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thống nhất từ cấp thành phố đến cơ sở, theo nguyên tắc tinh gọn, hiệu quả. Các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm trực tiếp chịu sự giám sát, đảm bảo tính minh bạch, tránh tình trạng chồng chéo.

Thành phố sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, nhấn mạnh việc chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao năng lực phân tích, kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm, đồng thời tăng cường nguồn lực cho các hoạt động giám sát. Chính quyền cơ sở sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai và duy trì tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Các cấp, ngành sẽ triển khai các chương trình tuyên truyền, phổ biến chính sách an toàn thực phẩm sâu rộng tới toàn dân, giúp các cơ sở sản xuất và người tiêu dùng hiểu rõ và thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Phong trào phát hiện, tố giác vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm sẽ được phát động mạnh mẽ, tạo sức ép dư luận xã hội, khuyến khích người dân tẩy chay các sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Mục tiêu cụ thể bao gồm:

- 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

- 100% cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn được kiểm tra định kỳ.

- 100% vụ ngộ độc thực phẩm được báo cáo và xử lý kịp thời, tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được kiểm soát dưới 7 người/100.000 dân/năm.

- 100% thông tin phản ánh vi phạm an toàn thực phẩm được xác minh và xử lý nhanh chóng.

Các đoàn kiểm tra của thành phố thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát các bếp ăn, cửa hàng cung cấp thực phẩm trên địa bàn. Ảnh: PV

Các đoàn kiểm tra của thành phố thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát các bếp ăn, cửa hàng cung cấp thực phẩm trên địa bàn. Ảnh: PV

Hướng tới phát triển bền vững

Hà Nội đang đứng trước những thách thức lớn trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt là việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu và sự đa dạng về quy mô, loại hình kinh doanh. Tuy nhiên, với quyết tâm của lãnh đạo thành phố cùng sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, Hà Nội đang đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống an toàn thực phẩm toàn diện, vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững.

Sự phức tạp trong nguồn gốc thực phẩm nhập khẩu và quy mô lớn của ngành thực phẩm tại Hà Nội đặt ra nhiều khó khăn cho việc giám sát chất lượng. Ngoài ra, các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và dịch vụ giao hàng trực tuyến đều tạo nên một hệ sinh thái kinh doanh đa dạng nhưng khó quản lý.

Trước tình hình này, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ để đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Trong đó có các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thường xuyên tại các điểm cung ứng thực phẩm, từ chợ dân sinh đến siêu thị lớn. Thành phố thúc đẩy mô hình chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch và truy xuất được nguồn gốc.

Người dân và các cơ sở kinh doanh được nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ATTP thông qua các chiến dịch truyền thông rộng rãi. Sử dụng các nền tảng số để kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, giảm thiểu tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Với sự cam kết mạnh mẽ từ lãnh đạo thành phố, Hà Nội không chỉ đặt mục tiêu đảm bảo ATTP mà còn khẳng định vai trò tiên phong trong việc xây dựng mô hình phát triển bền vững. An toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng sống và sức khỏe của người dân.

Cao Kỳ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-tang-cuong-dua-tieu-chi-an-toan-thuc-pham-vao-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-403209.html