Hải Phòng thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển
Cảng biển, logistics đã tạo cho Hải Phòng vị thế địa chính trị, kinh tế đặc biệt. Thành phố có tiềm năng, lợi thế phát triển khác biệt so với các khu vực ven biển khác, trở thành 'cửa ngõ' giao thương quốc tế hướng biển ở Bắc bộ.
Đầu tư, phát triển kinh tế biển
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 32, năm 2019, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là trọng điểm kinh tế biển của cả nước. Là trung tâm dịch vụ logistics quốc gia; trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước.
Bám sát những mục tiêu nói trên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn đạt mức cao so với bình quân chung của cả nước. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, tăng trưởng GRDP bình quân đầu người giai đoạn 2019 - 2023 đạt 11,64%/năm, gấp 2,83 lần mức tăng bình quân chung của cả nước và gấp 1,97 lần GDP vùng Đồng bằng sông Hồng (dự kiến năm 2024 đạt 11%) và được xác định là cực tăng trưởng của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng- Quảng Ninh.
Hiện nay, hệ thống cảng biển của TP. Hải Phòng gồm 5 khu bến chính với 52 cảng biển thuộc danh mục cảng biển Việt Nam (với 98 cầu, dài khoảng 14.178,5 m). Nổi bật là Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện có khả năng tiếp nhận tàu container lên tới trên 200.000 DWT.
Đối với phát triển khu kinh tế ven biển, tại Hải Phòng, khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải đã trở thành khu kinh tế tổng hợp, năng động, đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển kinh tế hàng hải, trọng tâm là phát triển dịch vụ cảng. Đồng thời, là động lực thúc đẩy Hải Phòng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một trong những trung tâm kinh tế biển của vùng biển Bắc bộ và cả nước.
Mới đây, ngày 4/12, Hải Phòng đã chính thức được Chính phủ cho phép thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha để tận dụng lợi thế của cảng Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng; thành lập Khu thương mại tự do trong khu kinh tế mới để vận dụng những cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, tăng cường thu hút, tập trung huy động nguồn lực phát triển hệ thống giao thông đường biển như các bến số 3, 4, 5, 6, 7, 8 của Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đang được đẩy nhanh tiến độ thi công và tiếp tục kêu gọi đầu tư các bến còn lại của Cảng Lạch Huyện (hiện nay các bến số 9, 10, 11, 12 đã có nhà 7 đầu tư đề xuất và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện thẩm định chủ trương đầu tư theo quy định).
Chiến lược đúng trong thu hút FDI
Tính đến hết tháng 11/2024, lũy kế số vốn đầu tư FDI trên địa bàn đạt 32,2 tỷ USD, cho thấy Hải Phòng đã và đang trở thành cứ điểm của nhiều nhà đầu tư lớn, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, để Hải Phòng tiếp tục đi đầu cả nước về thu hút FDI, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín trên thế giới dự án công nghệ cao, nhất là các dự án về bán dẫn và chip điện tử. Thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư theo phương châm “Sự thành công của doanh nghiệp là sự thành công của Thành phố”. Đồng thời, tăng cường khả năng liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam để có thể tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo động lực, tiền đề cho sự phát triển của Thành phố, góp sức cùng cả nước tiến bước mạnh mẽ và vững chắc trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh của dân tộc.
Thật vậy, chủ đầu tư dự án Logicross Hải Phòng tại KCN Nam Đình Vũ, ông Takashi Kagamoto, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mitsubishi Estate Việt Nam cho biết, trong quá trình triển khai dự án, mọi thủ tục từ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư đến giấy phép xây dựng đều diễn ra rất thuận lợi. Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, KCN Nam Đình Vũ – Chủ đầu tư Tập đoàn Sao Đỏ đã đồng hành, hỗ trợ trong suốt quá trình nhà đầu tư triển khai dự án.
Ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ chia sẻ: KCN Nam Đình Vũ là một KCN tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Hải Phòng. Việc quyết định lựa chọn KCN Nam Đình Vũ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc)... một phần do vị trí địa lý đắc địa kết nối liên hoàn với mạng lưới giao thông quốc gia và tiệm cận với những tuyến giao thông huyết mạch quan trọng, hội tụ đủ năm loại hình giao thông đường biển quốc tế, đường thủy nội địa, đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Đó là Cảng nước sâu quốc tế Lạch Huyện, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đường, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện...
Mới đây, KCN Nam Đình Vũ đã chủ động đầu tư tuyến đường song hành đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện. Tuyến đường này đã chính thức khai thác cuối tháng 10/2024, đóng góp rất lớn trong việc khai thác tiềm năng logistics từ hệ thống giao thông, cảng biển trọng điểm, thúc đẩy tiềm năng, thế mạnh phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Từ đó, góp phần nâng cao khả năng vận chuyển hàng hóa, tối ưu thời gian, chi phí logistics cho các nhà đầu tư trong KCN Nam Đình Vũ.
Cũng theo ông Phương, với lợi thế là KCN duy nhất tại Hải Phòng có cảng biển quốc tế nội khu - Cảng Nam Đình Vũ, sở hữu 4 phân khu chức năng với cơ sở hạ tầng hiện đại như cầu cảng container, cầu cảng hàng lỏng, cùng hệ sinh thái logistics được đầu tư đồng bộ, được định hình và vận hành theo nguyên tắc thu hút đa dạng nhiều dự án. KCN Nam Đình Vũ sẽ tạo thành chuỗi liên hoàn, tuần hoàn trong quá trình hoạt động cung cấp các sản phẩm dịch vụ hạ tầng KCN gồm cả hỗ trợ về tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu lớn về logistics từ các ngành công nghiệp sản xuất trong nước và quốc tế cũng như nhu cầu về cơ sở hạ tầng logistics chất lượng cao để đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế.
Đặc biệt, trong chuyến thăm, làm việc tại Hải Phòng mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu một số nhiệm vụ mà Thành phố cần tập trung thời gian tới. Đó là, Hải Phòng cần tiếp tục hoàn thiện quy hoạch. Trong đó, có quy hoạch đô thị, công nghiệp, du lịch, kinh tế biển, quy hoạch hạ tầng ngầm, quy hoạch không gian; kết nối và đồng bộ các loại hình giao thông. Quy hoạch chính là nguồn lực, là tầm nhìn để thành phố trở nên minh bạch trong phát triển và hấp dẫn các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Tô Lâm còn chỉ rõ, Hải Phòng cần phát huy lợi thế của Hải Phòng là cửa chính ra biển đối với cả miền Bắc, quy hoạch xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, trung tâm kết nối kinh tế và động lực phát triển của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả vùng Bắc bộ.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hai-phong-thu-hut-dau-tu-phat-trien-kinh-te-bien-d232629.html