Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm
Hiện nay, với mục tiêu quản lý chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm tiêu thụ trên thị trường, ngành Nông nghiệp Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát sản phẩm nông, lâm, thủy sản ở chợ đầu mối, cửa hàng thực phẩm sạch... Qua đó, các ngành chức năng xử lý kịp thời trường hợp vi phạm trong quá trình sản xuất - kinh doanh…
Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại Công ty cổ phần Thực phẩm Hương Sơn (Thanh Trì).
Năm 2019, những mặt hàng có nguy cơ cao về mất vệ sinh an toàn thực phẩm như rau, thịt… đã được Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra tại 644 tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua thanh tra, phát hiện 174 tổ chức, cá nhân có vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 172 trường hợp với số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Các đơn vị của Sở tiến hành kiểm tra, giám sát và lấy 4.281 mẫu nông, lâm, thủy sản, trong đó phát hiện 238 mẫu vi phạm, chiếm 5,5%.
Theo ông Ngô Đình Loát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, thời gian qua, Hà Nội tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng ở những cơ sở sản xuất nông sản, nhưng tình trạng vi phạm còn nhiều do việc triển khai quy hoạch giết mổ trên địa bàn thành phố còn khó khăn, vẫn tồn tại nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa bảo đảm môi trường, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo quy định. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa số có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, phân phối qua nhiều khâu trung gian, nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, trình độ quản lý thấp, liên kết sản xuất, tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Để nâng cao ý thức cho người sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tổ chức công tác kiểm tra, hậu kiểm việc tự công bố các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của doanh nghiệp, tập trung vào các sản phẩm có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm, lồng ghép với công tác kiểm tra, lấy mẫu giám sát, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đột xuất.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp thanh tra đột xuất cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, cơ sở giết mổ, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm nhỏ lẻ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm. Ngoài ra, sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc Công an thành phố, cơ quan quản lý thị trường trong phát hiện, điều tra, thanh tra đột xuất, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, các cơ sở sản xuất và tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi ngoài danh mục được phép sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ chuyển đổi toàn diện phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tổ chức, cá nhân tự công bố về điều kiện sản xuất, kinh doanh, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm (thay cho việc kiểm tra chứng nhận ban đầu và ký cam kết) đáp ứng đủ điều kiện, quy chuẩn, quy trình sản xuất; có lộ trình bắt buộc áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO 22000...); bãi bỏ việc cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là chuyển dần từ phương pháp quản lý hành chính công sang cung cấp dịch vụ hành chính công, dịch vụ công, xã hội hóa theo xu hướng nhu cầu của thị trường... tạo cơ chế có sự tham gia, giám sát của người dân, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng xử lý vi phạm nhằm tạo hiệu quả trong công tác quản lý và nhận diện sản phẩm an toàn khi lưu thông.