Hà Nội tăng cường quản lý, phát triển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), bảo vệ nguồn lợi và phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021.
Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã (có NTTS) căn cứ, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, chỉ đạo phát triển NTTS, hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng NTTS tập trung theo quy hoạch, theo chuỗi liên kết và gắn với thị trường tiêu thụ; quán triệt nhận thức, trách nhiệm, tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, bảo đảm ATTP thủy sản; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, công tác đảm bảo ATTP trong sản xuất thủy sản; kịp thời xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện công tác phát triển thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phòng, chống dịch bệnh thủy sản và bảo đảm ATTP thủy sản năm 2021 kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.
Bên cạnh đó, tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn thực hiện đăng ký đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật. Tập trung phát triển nuôi các giống thủy sản có giá trị như: cá chép lai, cá trắm cỏ, cá rô phi đơn tính và các loại thủy đặc sản (cá trắm đen, cá lăng, diêu hồng, tôm càng xanh,...).
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách, chỉ đạo của Trung ương, thành phố về phát triển NTTS; phòng, chống dịch bệnh thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm thủy sản; xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn, xây dựng nhãn hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủy sản an toàn, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh…
Chỉ đạo, quản lý có hiệu quả các hoạt động bảo vệ, khai thác thủy sản theo quy định, đặc biệt phải xử lý nghiêm hành vi khai thác thủy sản ngoài tự nhiên bằng xung điện, chất độc, chất nổ và ngư cụ bị cấm và các hành vi vi phạm trong công tác quản lý các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại. Nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ và thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản một cách bền vững.
Đồng thời, giao chỉ tiêu kế hoạch về bảo đảm ATTP cho UBND các xã, phường, thị trấn; tổ chức ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn đối với 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thủy sản nhỏ lẻ theo quy định của Bộ NN&PTNT và phân cấp của UBND thành phố; kiên quyết xử lý và công khai các trường hợp vi phạm theo quy định.
Tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát lấy mẫu, hậu kiểm, tập trung vào các cơ sở có nguy cơ cao mất ATTP, xử lý nghiêm, triệt để theo quy định của pháp luật các cơ sở vi phạm, đồng thời, công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương; Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về phòng, chống dịch bệnh thủy sản, công tác giám sát ATTP trong quá trình nuôi và sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường trong NTTS...
Chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường thực hiện kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp theo quy định. Triển khai đồng bộ quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT và theo phân công, phân cấp cụ thể khác của UBND thành phố.
Đặc biệt là huy động hệ thống chính trị vào cuộc trong thực hiện quản lý ATTP và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Phối hợp các sở, ban ngành liên quan triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn; thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thủy sản và quy hoạch, kế hoạch của UBND thành phố liên quan, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển vùng sản xuất thủy sản chuyên canh tập trung chất lượng cao, gắn với quy hoạch các chợ cá, các điểm kinh doanh sản phẩm thủy sản nhằm phát triển sản xuất bền vững, có hiệu quả và đảm bảo ATTP; tạo điều kiện bố trí quỹ đất cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực sơ chế, chế biến, bảo quản, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thủy sản an toàn.
Liên quan đến nhiệm vụ trên, Sở NNPTNT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ phát triển thủy sản; bảo vệ nguồn lợi; phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo ATTP thủy sản ngay từ khâu sản xuất ban đầu theo thẩm quyền. Phối hợp UBND các huyện, thị xã rà soát quy hoạch thủy sản, xây dựng cơ sở sản xuất an toàn về dịch bệnh thủy sản; quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vật tư nông nghiệp và thực phẩm thủy sản theo phân cấp. Tăng cường công tác quản lý chất lượng giống thủy sản, quản lý nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định...
Chỉ đạo thực hiện tốt việc giám sát về môi trường nước NTTS, phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Tăng cường quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh thực phẩm thủy sản theo phân cấp của Bộ NN&PTNT và UBND thành phố. Tăng cường công tác lấy mẫu giám sát, hậu kiểm để cảnh báo, chấn chỉnh kịp thời về an toàn thực phẩm. Thường xuyên giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất độc hại đối với thực phẩm thủy sản trong các khâu nuôi trồng, sơ chế, chế biến, bảo quản và kinh doanh thực phẩm tại các chợ đầu mối và các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Kiểm soát chặt chẽ về điều kiện vệ sinh thú y, thủy sản, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật và thủy hải sản trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể, giám đốc, thủ trưởng các sở: Công Thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố, Cục Quản lý thị trường thành phố... căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động, phối hợp với Sở NN&PTNT và đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện theo quy định.