Hà Nội: Tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn

Các sản phẩm OCOP hiện đã tham gia quảng bá giới thiệu tại các hội chợ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời sẽ tạo điều kiện mở rộng và phát triển kinh doanh cho các hợp tác xã nông nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp doanh nghiệp khu vực nông thôn.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại hội chợ hàng OCOP diễn ra ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại hội chợ hàng OCOP diễn ra ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Sản phẩm OCOP góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân

Hà Nội có tới 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, với 1.350 làng nghề, trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Bên cạnh các làng nghề, Hà Nội còn có 1.136 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, cùng với đó là hàng nghìn sản vật nông nghiệp nức tiếng xưa nay.

Với lợi thế có nhiều làng nghề, nghề truyền thống nhất cả nước, ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội đã đóng góp không nhỏ vào việc phát triển của các vùng nông thôn, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Theo thống kê, các địa phương có làng nghề của Thủ đô đã tăng trưởng cả về doanh thu và giá trị sản xuất. Trong đó, theo thống kê, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.

Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, mức thu nhập bình quân phổ biến ở mức 4-5,5 triệu đồng/lao động/tháng.

Đặc biệt gần đây có các làng nghề đã tạo ra thu nhập bình quân lao động đạt từ 24 đến 26 triệu/người/tháng (như các làng nghề trồng hoa, cây cảnh, làm gốm sứ, đồ mộc…). Nhiều sản phẩm OCOP truyền thống của các làng nghề đã được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ…

Thực hiện Chương trình OCOP, thời gian qua, huyện Thường Tín đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đã có hàng trăm sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng từ 3 đến 4 sao. Tính đến nay huyện Thường Tín đã 166 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó 150 sản phẩm 4 sao và 16 sản phẩm 3 sao. Qua việc đánh giá, xếp hạng nhiều chủ thể OCOP đã có bước tiến vượt bậc trong việc sản xuất, kinh doanh mà Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà ở xã Ninh Sở là một ví dụ diển hình. Đây là đơn vị có nhiều sản phẩm rau an toàn được thành phố Hà Nội công nhận đạt OCOP 4 sao.

Kể từ khi được xếp hạng trong chương trình OCOP nông sản của hợp tác xã đã tạo được tiếng vang tốt, được nhiều trung tâm thương mại, siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tiêu thụ. Nhờ đó, doanh thu của hợp tác xã đã đạt trên 3 tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho hàng chục lao động là phụ nữ, người già với mức thu nhập từ 7-9 triệu đồng/người/tháng…

Tại huyện Đông Anh, để có nguồn lực phát triển bền vững cho các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển kinh tế, trong đó thúc đẩy mạnh mẽ các sản phẩm OCOP tại mỗi xã.

Các xã trong huyện phấn đấu đến hết năm nay, tiếp tục phát triển, hoàn thiện và tổ chức đánh giá, phân hạng, nâng cấp được ít nhất 40 sản phẩm được thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Trong tổng số 186 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP huyện Đông Anh tập trung phát triển mạnh nhóm các sản phẩm truyền thống; có 122 sản phẩm thuộc nhóm rau củ quả và thực phẩm tươi sống, 52 sản phẩm chế biến; 3 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm đồ uống; 47 sản phẩm thuộc nhóm đồ thủ công mỹ nghệ.

Về chủ thể, số chủ thể có sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP là 56 chủ thể. Trong đó, 25 chủ thể là hợp tác xã, 16 chủ thể là hộ kinh doanh, 15 chủ thể là doanh nghiệp.

Khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội luôn xác định mục tiêu triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; Góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.

Đồng thời thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô và là "cú hích" làm đổi mới tư duy sản xuất, đánh đúng, trúng nhu cầu tiêu dùng, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.

Để bảo đảm mục tiêu của thành phố, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được công nhận (năm 2021 và 2022 có 1.113 sản phẩm được công nhận đạt 56% kế hoạch), các cấp ngành từ Thành phố đến cơ sở và chủ thể OCOP cần tiếp tục tăng cường tập trung công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về chương trình OCOP. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại là một trong những bước then chốt để tạo cơ sở, động lực thúc đẩy chương trình; Ưu tiên và xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững…

Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai một số mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với chương trình OCOP thành phố.

Đặc biệt, thành phố cần tập trung xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP; Ưu tiên lựa chọn, sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường. Các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình, Thành phố đã công nhận được 2.167 sản phẩm OCOP, bằng khoảng 22% của cả nước. Trong đó, có 6 sản phẩm được trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao, kết quả trên cho thấy, chương trình OCOP đã đánh thức tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thủ đô, tạo đột phá trong thay đổi tư duy sản xuất, tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.

Phú An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-tao-chuyen-dich-manh-me-trong-xay-dung-va-phat-trien-kinh-te-nong-thon-363952.html