Hà Nội, tháng Tư
Cuối tháng 3, Hà Nội đón đoàn Famtrip TP.HCM bằng cái rét ngọt Nàng Bân. Từ Bắc Trung bộ, chang chang nắng ra Ninh Bình lả mưa bụi và se lạnh. Lần này, tôi bay thẳng ra Hà Nội, tham gia talkshow của VTVcab về chuyển đổi số trong du lịch.
Hơi thất vọng khi bay với hãng người nhà, dịch vụ kém, chỉ được xách một vali nhỏ dưới 7kg. Cũng hành lý đó, đi hãng nào cũng vô tư, kể cả Vietjet nhưng với hãng nhà phải mua vé chiếc máy ảnh tác nghiệp vì quá ký. Không tiếc 200.000 đồng, mà tiếc cho cách tận thu, một kiểu đuổi khách hiệu quả.
Cả sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đều đông nghẹt. Vội vội, vàng vàng bỏ quên máy ảnh trên xe buýt qua sân bay quốc tế. Nhờ sự hỗ trợ tận tình của nhân viên an ninh sân bay Nguyễn Thành Luân. Anh bảo, bố đặt tên em vì thần tượng nhân vật chính trong phim “Ván bài lật ngửa”. 15 phút sau, tài xế Nam quay lại với chiếc máy ảnh của người hay quên. Từ lâu, xe buýt Nội Bài ăn đứt Tân Sơn Nhất. Sân bay quốc tế và quốc nội ở Nội Bài khá xa, ngoài xe buýt chạy tuyến từ nội địa qua quốc tế, còn có xe buýt sân bay miễn phí đưa đón hai chiều, rất tiện lợi.
Các tuyến xe buýt khứ hồi Nội Bài – Hà Nội chạy từ 4g00 đến 22g30. Các hãng bay có xe buýt riêng. Giá xe buýt công cộng và chất lượng cao đều rẻ hơn Tân Sơn Nhất. Tôi đi xe buýt 86, sạch sẽ, lịch sự, chạy đúng giờ. Tài xế nhiệt tình, kiêm luôn xếp hành lý và bán vé. Thông tin trên xe rõ ràng, chuyên nghiệp, giọng Hà Nội chuẩn về từng trạm dừng và các điểm du lịch chung quanh. Rất thiết thực và thú vị với du khách.
Như tên gọi, khách sạn Sojo Ga Hà Nội, đối diện Ga Hà Nội, ngay trạm xe buýt đi và về Nội Bài. Tôi cực kỳ ấn tượng với cách tận dụng không gian, lối bài trí hoài cổ mà trẻ trung, lạ mắt từ sảnh lễ tân, thang máy, hành lang và trong từng phòng. Tối giản mà tinh tế. Khách tự check in (và check out) với nhiều thú vị về chuyển đổi số.
Ngoài phòng gym, còn có các phòng gửi hành lý, phòng chờ (chưa tới giờ nhận phòng hoặc đợi xe), phòng giặt ủi (khách tự phục vụ)…Khách có thể cùng nhà bếp chế biến món ăn riêng. Các trang thiết bị trong phòng đều có thể điều khiển từ xa bằng Apple. Sảnh lễ tân nối với nhà hàng bằng các bàn trò chơi hoài niệm. Tường kính tạo không gian mở, ngồi trong nhà hàng mà cứ ngỡ ngoài trời.
Tôi mê mẩn với góc nhìn ra ga Hà Nội. Không hiểu ai là người đổi tên ga. Xưa là ga Hàng Cỏ với bao hoài niệm một thời gian khó và lý tưởng, cả trong chiến tranh đến thời bao cấp. Từ cuối thế kỷ XIX, xe lửa nói chung, ga Hàng Cỏ nói riêng là ước mơ, tự hào với những trải nghiệm vô đối của biết bao thế hệ người Việt.
Thời bao cấp, ra Hà Nội bằng xe lửa, oách và khó gấp mấy lần bây giờ đi Mỹ. Nghe nói ga Hàng Cỏ đổi tên thành ga Hà Nội từ 1976 nhưng chỉ đổi bảng hiệu. Người Việt, từng đi xe lửa ra Hà Nội vẫn gọi là ga Hàng Cỏ, dù bảng hiệu tên gì. Xe lửa, từng là phương tiện vận chuyển sang chảnh, chủ lực. Giờ, vắng lặng đến nao lòng.
Cuộc sống vận động không ngừng và đổi thay chóng mặt. Máy bay ngày càng phổ cập, giá rẻ không ngờ. Đến xe đò cũng “Door to door” với giường nằm tiện lợi, giá cả cạnh tranh với đường cao tốc. Chỉ xe lửa là an phận, đủng đỉnh, lạc hậu, từ đường sắt đến dịch vụ, tiện nghi, giá cả. Chỉ còn các tuyến ngắn cầm cự qua ngày.
Ga Hàng Cỏ vắng như chùa Bà Đanh dù nằm ngay khu đất vàng ở trung tâm thủ đô. Tôi và Phạm Xuân Nguyên, cựu Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhẩn nha ghé ga khảo sát, hỏi thăm giá. Nhân viên nhiệt tình tư vấn. Giá vé Sài Gòn – Hà Nội nằm mềm gần 1,5 triệu đồng, ngồi mềm khoảng 1,1 triệu đồng; đắt kém gì vé máy bay, chưa kể tiền ăn uống 2 ngày đi tàu.
Có người bi quan bảo “đường sắt Việt Nam đang chết lâm sàng”. Trong khi đường sắt Việt Nam kiệt quệ, đường sắt các nước vẫn phát triển với những đổi mới kinh ngạc. Ngay cả Lào cũng có đường sắt cao tốc Vientiane đi Luang Prabang dài 414km, vận tốc 160km/giờ, khổ đường sắt 1,435m.
Đường sắt các nước vẫn không ngừng được nâng cấp về mọi mặt. Đường sắt Việt Nam vẫn kiên định khổ 1m, song hành với quốc lộ 1, cơ sở hạ tầng từ thời Pháp thuộc, hầu như không thay đổi nhiều. Ngành đường sắt rất cố gắng nhưng “lực bất tòng tâm”. Vấn đề là thay đổi tư duy kinh doanh thời chuyển đổi số. Chủ trương, biến đường sắt thành đường hoa rất hay, nên làm nhưng phải đi liền với chất lượng dịch vụ, giá cả; đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với hàng không và đường bộ.
Từ khách sạn đến trường quay VTVcap, tôi chọn grapbike của Be vì giá rẻ hơn, chất lượng dịch vụ tương đương. Mấy lần đi grapbike, tôi ngạc nhiên vì anh em tự tin bảo, cảnh sát giao thông Hà Nội luôn du di cho cánh xe ôm và grap, trừ những lỗi quá đáng? Xử phạt, họ cũng nhìn người, chủ yếu là dân tỉnh và mấy em sinh viên mới lên Hà Nội. Hèn gì, thỉnh thoảng thấy xe máy Hà Nội tống ba, hoặc không đội nón bảo hiểm, vẫn vô tư tham gia giao thông.
Tham gia talkshow với Phó giáo sư Nguyễn Văn Sáu, nguyên Trưởng khoa Du lịch đại học Văn hóa Hà Nội, một thầy giáo du lịch tâm huyết, tinh thông Hán Nôm, học được ở thầy nhiều điều bổ ích. Quen thêm nhiều bạn ở VTVcap và Sojo, ai cũng trẻ trung, giỏi giang, lịch lãm. Quen thân và làm việc với các bạn trẻ, mình sẽ già chậm hơn.
Ẩm thực đường phố Hà Nội vẫn không thay đổi nhiều. Tôi và Nguyên vào quán buffet chay, 120.000 đồng suất, nhưng nhiều món quá. Rủ nhau ra vỉa hè ăn bún đậu mắm tôm. Thấy mẹt bún đậu hơi nhiều, cầm chắc ăn không hết nên gọi một suất ăn chung, vừa đủ no cho hai ông già cuối U70. Ăn xong, phải qua quán nước chè bên cạnh.
Ở Hà Nội ăn và uống riêng biệt, không thể vừa ăn vừa uống hoặc ngược lại. Quán chỉ bán chè (nước trà), mỗi cốc (ly) 3.000 đồng. Nguyên khen ngon, còn tôi pha thêm mấy lượt nước sôi vẫn đắng nghét. Ly này, ở Sài Gòn pha được cả thùng trà đá. Bữa trưa, hai ông già, cả ăn và uống chỉ 41.000 đồng (tương đương 1,5USD). Quá rẻ, dĩ nhiên là với người không còn trẻ. Các bạn chưa già; ăn bánh đa hay bún cá; phở ngan hay gà, bò; bún đậu mắm tôm… cũng đồng giá 35.000 nghìn đồng; tô nào cũng to và đầy hơn Sài Gòn.
Đứng đợi xe trước cửa khách sạn, nhẩm đếm trong vòng 40 phút có hàng chục chuyến xe buýt chạy qua. Xe buýt Hà Nội đa phần của nhà nước, nhìn chung chuẩn hơn Sài Gòn. Phía sau xe, luôn có dòng chữ “Xin lỗi vì đã làm phiền khi ra vào trạm”. Lời nói chẳng mất tiền mua, chữ viết cũng vậy.
Nhiều xe buýt Sài Gòn (không phải tất cả) coi việc ra vào bến, làm phiền khách tham gia giao thông là quyền của mình. Họ tiếc một dòng chữ!
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ha-noi-thang-tu-1681725192554.htm