Hà Nội thêm 17 ổ dịch sốt xuất huyết mới, biện pháp phòng bệnh cần ghi nhớ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tuần qua ghi nhận 17 ổ dịch SXH mới, tăng 02 ổ dịch so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 104 ổ dịch SXH, hiện còn 34 ổ dịch đang hoạt động. Dưới đây là các biện phâp phòng bệnh cần ghi nhớ.

1. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn.

Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc tối trong nhà, trên quần áo, đặc biệt quần áo có mùi mồ hôi, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.

Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, xô, chậu, giếng nước, hốc cây, hòn non bộ... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa, vỏ sữa chua, máng thoát nước mưa bị tắc... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C.

Ở Việt Nam bệnh lưu hành rất phổ biến và xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

2. Các dấu hiệu cần biết để đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế

Sốt xuất huyết thường có biểu hiện khởi phát ban đầu là sốt cao đột ngột, không đáp ứng thuốc hạ sốt. Theo chuyên môn sốt xuất huyết được chia làm 3 cấp độ là sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết Dengue cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng. Tuy nhiên, để chúng ta dễ hiểu, tùy theo tình trạng bệnh có thể chia thành 02 mức độ là:

Sốt xuất huyết nhẹ

Triệu chứng sốt xuất huyết thể nhẹ thường bị nhầm lẫn với các bệnh như sốt, cảm hoặc phát ban đỏ. Các triệu chứng phổ biến nhất của sốt xuất huyết thể nhẹ bao gồm sốt kèm đau mắt, nhức đầu, phát ban, đau nhức xương khớp, buồn nôn…

Người bệnh bị sốt xuất huyết sẽ kéo dài các triệu chứng từ 4 – 7 ngày. Nếu sốt xuất huyết thể nhẹ, người bệnh được chăm sóc đúng cách có thể khỏi bệnh sau khoảng 1 tuần kể từ khi sốt.

Sốt xuất huyết thể nặng

Khi bị sốt xuất huyết thể nặng người bệnh sẽ có các triệu chứng của thể nhẹ cộng thêm các triệu chứng dưới đây:

- Xuất hiện các chấm xuất huyết ngoài da.

- Chảy máu mũi hoặc chảy máu ở chân răng.

- Xuất huyết âm đạo hoặc tiểu ra máu.

- Nôn ói ra máu hoặc có máu trong phân (do xuất huyết nội tạng).

- Nôn nhiều, đau bụng, chân tay lạnh ẩm.

- Người mệt mỏi li bì, choáng.

Khi người bệnh chuyển biến sang sốt xuất huyết thể nặng cần được cấp cứu kịp thời, nếu trễ có thể dẫn đến tử vong hoặc di chứng nặng về sau.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính.

Sốt xuất huyết ở trẻ em

Sốt xuất huyết ở trẻ em sẽ có dấu hiệu sốt cao từ ngày thứ 3. Nhiều cha mẹ nhầm với bệnh cảm cúm hay bệnh liên quan đến đường hô hấp, dẫn đến phát hiện bệnh trễ, có thể gây ra các biến chứng nặng.

Bệnh sốt xuất huyết thường nhẹ và được chăm sóc, điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi phát hiện người bệnh có các biểu hiện sau thì cần được đưa ngay đến cơ sở y tế:

- Đau bụng.

- Nôn ói liên tục.

- Chảy máu lợi, chân răng.

- Nôn ra máu.

- Thở nhanh.

- Mệt mỏi, bồn chồn (Vật vã, lừ đừ, li bì)

- Một số trường hợp, người bệnh có thể hạ thân nhiệt, ngủ vùi…

Khi bệnh nhân có một trong những dấu hiệu trên, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

3. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Để tích cực chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân cần thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng bệnh sau:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... để không cho muỗi đẻ trứng.

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch, các chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường.

- Trồng cây đuổi muỗi là phương pháp tự nhiên giúp xua đuổi muỗi khỏi ra khỏi nhà.

Một số loại cây trồng trong nhà có đặc tính kỳ diệu là ngăn không cho muỗi sinh sản. Đặc biệt cây hương thảo, cây đinh hương, hoa oải hương, ngũ bì gia… đều là những loại cây trang trí cho nhà cửa, vừa tỏa mùi hương làm cho muỗi sợ hãi. Để phát huy thêm hiệu quả của những loại cây này, bạn có thể giải phóng tinh dầu ở trong lá cây bằng cách chà xát để mùi hương lan nhanh trong không khí. Dùng lá đun sôi với nước, sau khi nguội đổ vào bình xịt và sử dụng cho những góc nhà mà muỗi hay ẩn nấp.

- Khi bị sốt thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Sáng 26/8/2024 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, từ 16/8 đến 22/8/2024 toàn thành phố ghi nhận 234 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm 40 trường hợp so với tuần trước đó. Số ca mắc phân bố tại 28 quận, huyện, nhiều nhất ở Đan Phượng (63 ca), Thanh Oai, Phúc Thọ và Hà Đông.

Số mắc giảm nhưng trong tuần ghi nhận 17 ổ dịch SXH mới, tăng 02 ổ dịch so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 104 ổ dịch SXH, hiện còn 34 ổ dịch đang hoạt động.

BS Trần Dung

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-them-17-o-dich-sot-xuat-huyet-moi-bien-phap-phong-benh-can-ghi-nho-169240826195717176.htm