Hà Nội: Thêm hơn 100 ca sốt xuất huyết và 11 ổ dịch
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 1.166 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 5-7 đến ngày 12-7), toàn thành phố ghi nhận 109 ca mắc sốt xuất huyết tại 20 quận, huyện; trong đó huyện Đan Phượng có số mắc cao với 43 ca.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 1.166 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2023).
(Ảnh minh họa).
Ngoài ra, trong tuần qua còn ghi nhận thêm 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 6 quận, huyện: Đan Phượng, Hà Đông, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Nam Từ Liêm, Thạch Thất.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 30 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 14 ổ dịch đang hoạt động.
Thời gian qua, CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát công tác điều tra, xử lý ổ dịch tại các quận, huyện nêu trên. Kết quả giám sát cho thấy, chỉ số côn trùng tại một số ổ dịch vượt ngưỡng nguy cơ cao. Do đó, dự báo, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới và tiếp tục ghi nhận thêm các ổ dịch mới.
Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 31 ca tay chân miệng, hầu hết là ca tản phát và 12 ca mắc ho gà. Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 1.656 ca tay chân miệng (tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023) và 173 ca ho gà tại 28 quận, huyện, thị xã (trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh).
Cần làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết?
Theo các chuyên gia, khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Trong 3-4 ngày đầu, nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những lời khuyên sau:
- Nằm nghỉ ngơi.
- Ăn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa; uống nhiều nước, có thể cho bệnh nhân uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt;duy trì 1500-2500ml nước /ngày.
- Uống thuốc hạ sốt, lưu ý chỉ được hạ sốt bằng paracetamol chứ không được dùng Ibuprofen hoặc Aspirin vì có nguy cơ gây chảy máu đồng thời chườm mát cho người bệnh.
- Theo dõi liên tục, nếu thấy bệnh nhân có diễn biến nghiêm trọng hơn như li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều thì cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế.
- Nếu không có diễn biến bất thường cũng cần đến khám lại theo hẹn của bác sỹ.