Hà Nội: Thiệt hại do ùn tắc giao thông lên đến 1,2 tỷ USD/năm
Theo thống kê, năm 2023, Hà Nội có tổng số 37 điểm ùn tắc, đến nay đã xử lý được 9/37 điểm. Một số nghiên cứu cho thấy, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1-1,2 tỷ USD/năm.
Đây là thống kê được nêu tại buổi tọa đàm "Hướng tới hệ thống giao thông Hà Nội thông minh và bền vững" diễ ra sáng ngày 22/11. Buổi tọa đàm do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. Hà Nội phối hợp với Ngân hàng thế giới và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức.
Thu phí vào nội đô
Sở GTVT Hà Nội cho biết, hệ thống giao thông được co là huyết mạch của nền kinh tế, là bộ mặt của đô thị. Vì vậy lãnh đạo Hà Nội luôn quan tâm phát triển hệ thống giao thông hiện đại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Trước thực tế này, UBND TP.Hà Nội giao cho Sở GTVT Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức, quản lý điều hành giao thông; ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, xây dựng hệ thống giao thông thông minh trong thành phố thông minh.
Sau đó sở đã chọn Trường ĐH Giao thông Vận tải là đơn vị tư vấn: "Xây dựng đề án giao thông thông minh trên địa bàn TP.Hà Nội".
Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS.TS. Lê Hùng Lân, Chủ nhiệm Đề án khẳng định, Hà Nội cần nhanh chóng trở thành thành phố thông minh, trong đó phát triển hệ thống giao thông thông minh là một trong các trụ cột chính. Hệ thống giao thông thông minh sẽ gồm 4 phần chính: Người dùng ITS, phương tiện giao thông tích hợp thiết bị thông minh, cơ sở hạ tầng giao thông thông minh và trung tâm điều hành, giám sát giao thông thành phố.
Trong đó, người dùng ITS chính là người dân tham gia giao thông và người quản lý, điều hành giao thông. Người dùng không những là đối tượng thụ hưởng dịch vụ ITS mà còn là chủ thể tham gia, đóng góp thông tin cho ITS. Giao thông thông minh TP.Hà Nội sẽ lấy người dân làm trung tâm, ông Lân chia sẻ.
Tuy vậy, theo ông Lân, việc triển khai hệ thống giao thông thông minh trên còn gặp nhiều thách thức bởi hiện tỉ lệ đất cho giao thông ít, vận tải công cộng, giao thông xanh chưa phát triển và đáp ứng được nhu cầu của người dân. Ngoài ra, các ứng dụng giao thông thông minh ở Hà Nội và cơ sở hạ tầng như trung tâm điều khiển, thiết bị ngoại vi còn thiếu cũng là một rào cản lớn.
Trước thực tế trên, ông Lân cho biết phải có lộ trình và giai đoạn cụ thể cho việc phát triển giao thông thông minh tại thủ đô.
Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2024-2026 sẽ xây dựng trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS; kết nối nguồn dữ liệu; thẻ vé liên thông.
Đáng chú ý, giai đoạn 2 từ năm 2027-2030 sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 1. Đồng thời, xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp Hà Nội; đổi mới phương thức quản lý; phát triển các ứng dụng ITS cơ bản; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS.
Giai đoạn 3 đến năm 2045 sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 2, đồng thời vận hành, khai thác hiệu quả ITS thành phố; hoàn thiện cơ sở hạ tầng ITS và tăng cường các ứng dụng khai thác dữ liệu giao thông số.
Ùn tắc giao thông gây thiệt hại 1-1,2 tỷ USD/năm
Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, TP.Hà Nội rất quan tâm dành nguồn lực nâng cao hạ tầng, nhưng tốc độ phát triển hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển phương tiện.
Hiện, Hà Nội có gần 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó, có hơn 1 triệu ô tô; 6,6 triệu xe máy và gần 185.000 xe máy điện, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trung bình của Hà Nội khoảng 4-5%/năm.
Tuy nhiên, diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị còn ít (đạt khoảng 10,35%). Hạ tầng giao thông chỉ tăng 0.5%/năm, còn phương tiện giao thông tăng 4-5% dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là sau Covid-19.
Theo thống kê từ nhóm xây dựng Đề án, năm 2022 tại Hà Nội có tổng số 35 điểm ùn tắc trong giờ cao điểm, đã xử lý được 8/35 điểm. Năm 2023 có tổng số 37 điểm ùn tắc, đến nay đã xử lý được 9/37 điểm. Một số nghiên cứu cho thấy, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1-1,2 tỷ USD/năm. Đó còn chưa kể đến tình trạng ùn tắc giao thông còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân…
Từ những thực tế trên, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội mong muốn, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến các nhiệm vụ đã thực hiện của đề án “Xây dựng đề án giao thông thông minh và hướng đến hệ thống giao thông Hà Nội thông minh và bền vững”.