Hà Nội thông tin về kết quả xử lý, khắc phục hậu quả vụ cháy tại Công ty Rạng Đông

Sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông: Hà Nội tiếp tục thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm Quận Thanh Xuân không yêu cầu phường Hạ Đình thu hồi văn bản khuyến cáo người dân Nguyên nhân vụ cháy tại Công ty Rạng Đông không do tác động từ con người Vụ cháy tại Công ty Rạng Đông: Nồng độ thủy ngân trong các mẫu xét nghiệm máu và nước tiểu đều trong giới hạn cho phép Hãy tiếp nhận thông tin một cách thông minh! Công nhân trắng đêm hút bùn, khơi thông cống xung quanh Công ty Rạng Đông

(HNMO) - Chiều 17-9, tại hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, sau khi nghe Chánh Văn phòng - Người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội Vũ Đăng Định thông tin về kết quả chỉ đạo xử lý, khắc phục hậu quả vụ cháy Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, các phóng viên của 14 cơ quan báo chí, trong đó có Báo Hànôịmới đã đặt gần 50 câu hỏi liên quan đến vụ việc.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị, chia thành 5 nhóm vấn đề về: Chất lượng môi trường, các chỉ số, số liệu về môi trường; nhóm các vấn đề của quận Thanh Xuân như bao nhiêu hộ dân rời nhà đi, bao nhiêu hộ chưa về, trách nhiệm của lãnh đạo quận; nhóm vấn đề về khám sức khỏe; nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của thành phố... và phân công đại diện các đơn vị, sở, ngành trả lời.

Đông đảo phóng viên tham dự Hội nghị giao ban báo chí thường kỳ chiều 17-9

Nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống nhân dân

Theo Chánh Văn phòng UBND thành phố Vũ Đăng Định, tối 28-8, ngay sau khi nhận được tin báo về vụ cháy từ Công an thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an thành phố, UBND quận Thanh Xuân và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”.

Huy động nhân dân và các lực lượng của phường, quận, thành phố chữa cháy, di chuyển người dân khu vực cạnh nhà máy với phương châm: Không để đám cháy lan rộng sang nhà dân và các công trình xung quanh; Không được để thiệt hại về người; Khẩn trương xác định khu vực chính chứa chất amalgam và thủy ngân lỏng để phun bọt, đảm bảo an toàn. Toàn bộ quá trình chữa cháy các lực lượng Phòng cháy chữa cháy Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, các lực lượng của quận Thanh Xuân, phường Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung cùng công nhân nhà máy, đặc biệt nhiều hộ dân tại tổ dân phố số 23 khu dân cư số 3 phường Hạ Đình và tổ dân phố số 3 phường Thanh Xuân Trung đã tham gia tích cực.

Đến khoảng 03h30 ngày 29-8, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Toàn bộ 3 bình chứa chất amalgam được bảo vệ an toàn. Vụ cháy may mắn không gây thiệt hại về người và không gây cháy lan sang nhà dân và khu vực xung quanh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), các đơn vị có liên quan thực hiện nhiều giải pháp.

Cụ thể, ngay trong ngày 30-8, UBND thành phố đã có văn bản số 3764/UBND-ĐT chỉ đạo thành lập Tổ công tác tổ chức quan trắc, đánh giá chất lượng không khí, nước; xác định rõ mức độ ô nhiễm không khí, nước và các chất độc hại khác; đồng thời xác định rõ mức độ ảnh hưởng đến người dân trong vùng bán kính 1 km, để thông báo công khai kết quả cho người dân và dư luận biết.

Ngày 2-9, UBND thành phố ra văn bản số 3769/UBND-ĐT giao Sở TN-MT chủ trì và phối hợp với các đơn vị công bố kết quả quan trắc, tiếp tục chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, quan trắc môi trường tại khu vực xảy ra cháy; chủ động thông báo công khai cũng như có biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân trong khu vực nếu phát hiện chỉ số môi trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Ngày 5-9, UBND thành phố đã họp với các sở, ngành, UBND quận Thanh Xuân, Tổng cục Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tổ trưởng dân phố và đại diện người dân các Tổ dân phố lân cận khu vực xảy ra vụ cháy thuộc 2 phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung (có sự tham gia của các cơ quan báo chí của Trung ương và thành phố) nghe báo cáo kết quả các công việc đã tiến hành triển khai và thống nhất các công việc triển khai tiếp theo.

Tại văn bản số 3840/UBND-ĐT và 3841/UBND-ĐT UBND Thành phố đã chỉ đạo cụ thể 5 nội dung: (1) Sở Y tế chủ trì tổ chức khám sức khỏe miễn phí tại khu vực bán kính 500 m theo yêu cầu của người dân; (2) Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì tổ chức việc quan trắc chất lượng không khí; Lấy mẫu đất, mẫu nước trong vòng bán kính 500m để phân tích, đối chiếu với các tiêu chuẩn, quy định, thông báo công khai, minh bạch; Chủ trì phối hợp với Công ty Rạng Đông, Bộ Tư lệnh Thủ đô làm việc với Bộ Tư lệnh Hóa học, triển khai thực hiện tẩy độc nhà máy và trong bán kính 500m vùng ảnh hưởng (nếu có các chỉ tiêu độc hại vượt mức cho phép).

(3) Giao Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo khẩn trương điều tra, xác định nguyên nhân của vụ cháy; xác định nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của hàng hóa nhập khẩu của Công ty, làm rõ số lượng nhập, số lượng hóa chất đã sử dụng, số lượng hóa chất bị cháy, số lượng còn lại trong kho; Trưng cầu cơ quan chuyên môn giám định nguyên nhân gây cháy, mức độ ảnh hưởng môi trường do vụ cháy gây ra đối với sức khỏe của người dân và môi trường; Trưng cầu Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam giám định để xác định mức độ ô nhiễm về môi trường đất, nước và không khí trong vùng ảnh hưởng xung quanh khu vực cháy; (4) Yêu cầu Công ty Rạng Đông cung cấp thông tin chính xác về nguồn gốc, xuất xứ, quy chuẩn, tiêu chuẩn bảo quản vật tư, thành phẩm nhằm xác định số thủy ngân, amalgam bị cháy và còn lại, cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các cơ quan chức năng khắc phục hậu quả sau vụ cháy, khẩn trương ổn định sản xuất, tổ chức cám ơn, thăm hỏi người dân trong khu vực, cán bộ chiến sĩ đã tham gia chữa cháy; (5) Đề nghị Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn của Viện và mời các chuyên gia trong và ngoài nước có kinh nghiệm xử lý sự cố tương tự giám định mức ô nhiễm về môi trường đất, nước và không khí trong vùng ảnh hưởng xung quanh khu vực cháy.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo Công an thành phố sau khi hoàn thành việc lấy mẫu để phục vụ công tác điều tra, khẩn trương bàn giao hiện trường vụ cháy để tiến hành thu gom, xử lý toàn bộ các chất thải do vụ cháy để lại đúng quy trình, quy định hiện hành; tổ chức tẩy độc toàn bộ khu vực; đồng thời khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 8107/VPCP-KGVX ngày 9/9/2019 của Văn phòng Chính phủ, UBND thành phố có văn bản số 3898/UBND-ĐT ngày 10/9/2019 chỉ đạo cụ thể 7 nội dung: (1) Công an thành phố sau khi hoàn thành việc lấy mẫu để phục vụ công tác điều tra khẩn trương bàn giao ngay hiện trường vụ cháy cho Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông để tiến hành ngay việc thu gom, xử lý toàn bộ các chất thải do vụ cháy để lại; (2) Tổ chức tẩy độc toàn bộ khu vực; Đồng thời khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới theo quy định tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ; (3) Giao Công ty Nước sạch Hà Nội chỉ đạo Nhà máy nước Hạ Đình triển khai các biện pháp đảm bảo chất lượng nguồn nước sạch đạt quy chuẩn an toàn; (4) Giao Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tổ chức hút bùn, khơi thông hệ thống cống rãnh, thoát nước thải xung quanh khu vực nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông; (5) Giao UBND quận Thanh Xuân lập, tổ chức thực hiện dự án cống hóa các đoạn mương thoát nước còn lại của hệ thống thoát nước từ ngã 3 Nguyễn Tuân – Nguyễn Trãi đến sông Tô Lịch gần khu vực nhà máy để cải tạo vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan khu vực. (6) Giao Sở Y tế chủ trì cùng UBND quận Thanh Xuân tổ chức việc khám sức khỏe miễn phí cho các cháu nhà trẻ, mẫu giáo và các cô nuôi dạy trẻ tại các trường mầm non trên địa bàn 2 phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung. (7) Đề nghị Bộ Tư lệnh Hóa học hướng dẫn, giám sát toàn bộ quá trình thu gom, xử lý chất thải do vụ cháy để lại cũng như quá trình tẩy độc để đảm bảo việc thu gom, xử lý theo đúng quy trình, quy định đảm bảo hiệu quả.

Ngày 12-9, UBND thành phố có văn bản số 3952/UBND-ĐT gửi đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hóa học phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của thành phố, Công ty Rạng Đông thực hiện tẩy độc toàn bộ khu vực hiện trường vụ cháy và vùng lân cận, đảm bảo vệ sinh môi trường; Hướng dẫn, giám sát về quy trình kỹ thuật toàn bộ quá trình thu gom, xử lý chất thải do vụ cháy để lại cũng như quá trình tẩy độc để đảm bảo việc thu gom, xử lý theo đúng quy trình, quy định đảm bảo hiệu quả.

“Ngày 13-9, lãnh đạo UBND thành phố đã làm việc với Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các chuyên gia Nhật Bản để trao đổi về việc quan trắc và xử lý khắc phục ô nhiễm thủy ngân”, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết.

Chất lượng không khí an toàn

Chánh Văn phòng UBND thành phố cho biết, dưới sự hướng dẫn, giám sát của Bộ Tư lệnh Hóa học, Bộ Tư lệnh Thủ Đô,Viện hóa học môi trường quân sự, Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đã phối hợp cùng Công ty URENCO 10, Chi cục Bảo vệ môi trường tổ chức thu gom, vận chuyển để xử lý tro xỉ rác thải nguy hại.

Tính đến 3h sáng 16-9, đã vận 44,68 tấn chuyển rác thải nguy hại (tro xỉ của đèn và các sản phẩm đèn huỳnh quang, Compact bị hư hại) về Nhà máy xử lý rác thải nguy hại NEDO tại khu xử lý chất thải Nam Sơn để xử lý; Đã vận chuyển 19,44 tấn rác thải khác (sắt thép phế liệu) ra khỏi khu vực cháy của Nhà máy. Việc thu gom vận chuyển rác thải sau vụ cháy sạch đến đâu được Bộ Tư lệnh Hóa học tiến hành tẩy độc ngay đến đó.

Về công tác duy trì theo dõi, tổng hợp kết quả đo đạc số liệu quan trắc môi trường tại khu vực: Từ ngày 29-8 đến ngày 30-8, kết quả phân tích so sánh với các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh cho thấy các thông số NO2, SO2, CO đều nằm trong giới hạn cho phép, hàm lượng Hg (trung bình 24 giờ) trong không khí nằm dưới ngưỡng giới hạn QCVN cho phép.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã trưng cầu Công ty TNHH tư vấn kỹ thuật, thiết bị và công nghệ môi trường Nguyễn Gia tiến hành quan trắc, lấy mẫu phân tích môi trường không khí xung quanh trong vòng bán kính 200 m và 500m:

Từ ngày 9-9 đến ngày 12-9, đã tiến hành lấy mẫu không khí xung quanh trong vòng 24 giờ hằng ngày đối với 08 vị trí. Kết quả so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh cho thấy các thông số NO2, SO2, CO đều nằm trong giới hạn cho phép, hàm lượng Hg (trung bình 24 giờ) trong không khí nằm dưới ngưỡng giới hạn QCVN cho phép.

Trong các ngày 13 đến 14-9, đơn vị tiếp tục tiến hành lấy mẫu không khí xung quanh trong vòng 24 giờ hằng ngày đối với 3 vị trí. Kết quả phân tích so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh cho thấy các thông số NO2, SO2, CO đều nằm trong giới hạn cho phép, hàm lượng Hg (trung bình 24 giờ) trong không khí nằm dưới ngưỡng giới hạn cho phép.

Hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 17-9.

Chưa phát hiện các biểu hiện cấp tính bất thường đối với người dân

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 16-9 đã tư vấn và khám sức khỏe miễn phí cho 2.124 người dân trong khu vực 500 m và trực 24/24 giờ tại hai trạm Y tế; tư vấn và khám sức khỏe miễn phí cho 1.987 các cháu nhà trẻ, mẫu giáo, các cô nuôi dạy trẻ tại các trường mầm non và học sinh, giáo viên tại các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn 2 phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung.

Qua quá trình tư vấn, khám sức khỏe cho giáo viên, học sinh, người dân chưa phát hiện các biểu hiện cấp tính bất thường.

Kết quả xét nghiệm chuyên sâu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho thấy: Số lượng mẫu máu và nước tiểu 24 giờ chuyển đến Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường: 483 mẫu (cập nhật đến hết ngày 16-9, trong đó: 254 mẫu máu, 229 mẫu nước tiểu). Kết quả xét nghiệm cho thấy thủy ngân trong máu và nước tiểu của toàn bộ mẫu được phân tích đều trong giới hạn cho phép và được tham chiếu theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Nguyên nhân vụ cháy không do tác động từ con người

Chánh Văn phòng - Người phát ngôn của UBND thành phố Vũ Đăng Định cũng đã thông tin về công tác điều tra nguyên nhân vụ cháy xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.

Theo báo cáo của Công an thành phố, ngày 12-9, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã có Bản kết luận giám định số 5306/C09-P2, kết luận nguyên nhân vụ cháy.

Theo đó, điểm xuất phát cháy nằm ở khu vực cách vách tôn phía Đông Bắc khoảng 7m; cách vách tôn phía Tây Bắc khoảng 3,4m bên trong tầng 2 (theo quy ước trong biên bản khám nghiệm hiện trường) của kho bán thành phẩm.

Nguyên nhân của vụ cháy được làm rõ: Sự cố điện ở bảng mạch điện tử của bóng đèn chiếu sáng (đèn led) tại vị trí cách vách tôn phía Đông Bắc khoảng 7m, cách vách tôn phía Tây Bắc 3,4m bên trong tầng 2 của kho bán thành phẩm đã làm cháy các chi tiết bên trong của bóng đèn led, sau đó gây cháy lan ra xung quanh và dẫn đến vụ hỏa hoạn nói trên.

Thượng tá Nguyễn Xuân Trường.

Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố cho biết, ngày 12-9, Viện khoa học hình sự Bộ Công an đã có kết quả giám định. Ngày 13-9, Công an thành phố nhận kết quả và có báo cáo đến các cấp lãnh đạo thành phố và chính thức thông tin đến các cơ quan báo chí vào chiều hôm nay.

Thượng tá Nguyễn Xuân Trường khẳng định: Kết quả trưng cầu của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã loại từ nguyên nhân gây cháy do tác động từ con người.

Không có văn bản yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của phường Hạ Đình

"Quận Thanh Xuân không yêu cầu phường Hạ Đình thu hồi văn bản khuyến cáo người dân cũng như không có văn bản yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan", đó là khẳng định của Chánh Văn phòng HĐND - UBND quận Thanh Xuân Vương Thị Vân Khánh.

Theo đồng chí Vương Thị Vân Khánh, quận Thanh Xuân đã có nhiều kênh thông tin thiết thực để cung cấp thông tin đến người dân, bảo đảm người dân được cập nhật thông tin chính thức từ các cơ quan chức năng.

Chánh Văn phòng HĐND - UBND quận Thanh Xuân Vương Thị Vân Khánh.

Liên quan đến việc phường Hạ Đình thu hồi Thông báo số 112 về việc xử lý vệ sinh môi trường sau cháy được ban hành ngày 29-8-2019, Chánh Văn phòng HĐND - UBND quận Thanh Xuân cũng khẳng định, UBND quận Thanh Xuân không yêu cầu UBND phường Hạ Đình thu hồi văn bản này cũng như không có văn bản yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân liên quan.

Trực tiếp trả lời báo giới về nguyên nhân thu hồi Thông báo số 112, Chủ tịch UBND phường Hạ Đình Thái Minh Tuấn cho biết, là do văn bản này được ban hành chưa đúng thẩm quyền và chưa đủ cơ sở.

“Thời điểm ban hành văn bản này là ngày 29-8, một ngày sau khi xảy ra vụ cháy. Thời điểm này chưa có kết luận chính thức của các cơ quan có thẩm quyền đánh giá mức độ ô nhiễm liên quan đến môi trường”, Chủ tịch UBND phường Hạ Đình giải thích về tính thiếu cơ sở của văn bản.

Ngoài ra, tại thời điểm ban hành Thông báo số 112, phường chưa có cơ sở khoa học để khuyến cáo người dân về việc không sử dụng thực phẩm rau, hoa quả, trái cây, gia cầm, cá, lợn được nuôi trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày; không sử dụng nước tại các bể chứa nước hở trong bán kính 1km kể từ tâm đám cháy.

Ngoài ra, một số nội dung khác trong văn bản cũng được Chủ tịch UBND phường Hạ Đình thừa nhận là đã hoàn toàn thiếu cơ sở, như khuyến cáo “người dân cần tiêu hủy các loại rau, trái cây tự trồng trong vòng bán kính 500m” hay “sơ tán trẻ nhỏ, người già ốm, bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của cháy, thời gian sơ tán từ 1-10 ngày để hạn chế tác hại của khói bụi”.

Theo Chủ tịch UBND phường Hạ Đình, việc đưa ra những nội dung khuyến cáo thiếu cơ sở như vậy đã gây lo lắng cho người dân. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND phường Hạ Đình đã ký quyết định thu hồi Thông báo số 112.

Đồng chí Thái Minh Tuấn cho biết thêm, đến ngày hôm nay, trên địa bàn phường đang vắng 15 hộ với 41 nhân khẩu trên tổng số 5.690 hộ và 18.191 khẩu.

Thành phố đã mời đơn vị uy tín, đủ các phương tiện thiết bị quan trắc khách quan

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, khi xảy ra sự cố, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đã mời các đơn vị có đủ năng lực quan trắc, thông tin chất lượng môi trường hằng ngày, thông báo kịp thời tới người dân được biết, nhằm ổn định cuộc sống.

Sở TN&MT Hà Nội cũng đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô, Bộ Tư lệnh Hóa học, UBND quận Thanh Xuân, giám sát công tác xử lý thu gom, vận chuyển, xử lý tiêu tẩy độc theo quy trình. TP Hà Nội đã mời đơn vị có uy tín, đủ các phương tiện thiết bị quan trắc khách quan; Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đang thực hiện quan trắc.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, ngành Y tế Hà Nội đã huy động toàn bộ nhân lực các bệnh viện hạng 1: Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Hà Đông, Đống Đa, Đức Giang… gồm 14 bác sĩ và 16 điều dưỡng ứng trực, khám miễn phí cho người dân và các em học sinh tại các trạm y tế phường Hạ Đình, Thanh Xuân Trung. Kết quả cho thấy, chưa phát hiện biểu hiện cấp tính, bất thường.

Những việc thuộc trách nhiệm của thành phố, Hà Nội đã nỗ lực cố gắng ở mức tối đa

Phát biểu kết thúc hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, ngay sau vụ cháy xảy ra, quận Thanh Xuân cùng các lực lượng chức năng của thành phố như cảnh sát PCCC (Công an thành phố), Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội… đã thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", khẩn trương tập trung khống chế đám cháy nhằm hạn chế cháy lan ra khu vực xung quanh, đặc biệt là không để cháy lan sang nhà dân và không để thiệt hại về người.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu.

Thành phố cũng chỉ đạo, xác định tính chất của vụ cháy, phối hợp với các cơ quan chức năng của trung ương như Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các giải pháp, trong đó có đánh giá tác động môi trường để đưa ra khuyến cáo và hướng khắc phục, chủ động cung cấp thông tin đến người dân.

Thường trực Thành ủy đã hai lần tổ chức họp và ban hành 3 văn bản chỉ đạo đối với Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Quận ủy, UBND quận Thanh Xuân và các cơ quan chức năng của thành phố, trong đó yêu cầu tập trung sớm khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống người dân, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan sớm khắc phục hậu quả. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng của thành phố đã tiến hành một loạt các giải pháp.

Về ý kiến cho rằng không thấy lãnh đạo thành phố có mặt sau khi vụ việc xảy ra, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho hay, đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đã trực tiếp chỉ đạo việc dập tắt đám cháy và di dời những hộ dân gần khu vực cháy. Sau đó, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã xuống làm việc với hai phường Hạ Đình, Thanh Xuân Trung và thăm hỏi, tặng quà, đồng thời nắm tâm tư, nguyện vọng người dân.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, xuyên suốt công tác chỉ đạo, thành phố luôn quan tâm, chăm lo đời sống người dân bằng những việc làm rất thực tế.

“Những việc thuộc trách nhiệm của thành phố, chúng tôi đã nỗ lực cố gắng ở mức tối đa. Trong những việc khác, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ, tích cực với các cơ quan của trung ương như: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam... để xác định nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ cháy”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nói.

Về nguyên nhân vụ cháy, đồng chí Nguyễn Văn Phong khẳng định, như cơ quan Công an đã thông tin, không phải do yếu tố con người. Ngay sau vụ cháy, thành phố đã tập trung khám bệnh miễn phí cho nhân dân và học sinh trong bán kính 500m từ hàng rào vụ cháy; các cán bộ, chiến sĩ tham gia dập lửa cũng đã được thăm khám sức khỏe. Kết quả cho thấy, không ai bị nhiễm độc thủy ngân.

Bốn nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Thời gian tới, trước hết, thành phố yêu cầu các đơn vị tham gia hoàn thành sớm việc thu gom, xử lý toàn bộ các chất thải do vụ cháy để lại theo đúng quy trình, quy định hiện hành; sau đó tổ chức tẩy độc toàn bộ khu vực, đồng thời tiến hành thủ tục di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới theo quy định tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, Sở TN-MT, Sở Y tế, UBND quận Thanh Xuân tiếp tục quan trắc môi trường hằng ngày để đánh giá ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe của người dân trong khu vực; tiếp tục tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho giáo viên, học sinh, người dân trong khu vực; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân yên tâm, ổn định đời sống sinh hoạt.

Ba là, thành phố đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sớm có kết quả giám định độc lập xác định mức độ ô nhiễm về môi trường đất, nước và không khí trong vùng ảnh hưởng xung quanh khu vực cháy để công bố kết quả cho người dân.

Bốn là, UBND thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp để thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với công tác quan trắc môi trường, từ khi xảy ra vụ cháy, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đã quan trắc thường xuyên và có thông báo hằng ngày, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thành phố cũng đã trưng cầu sự tham gia quan trắc, đánh giá môi trường của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Sự tham gia của Viện có tính chất độc lập, khách quan, khoa học để có kết quả báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố chính thức cho người dân.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng đã có phát biểu xoay quanh công tác đánh giá quan trắc môi trường và có nhận định như Chi cục Bảo vệ môi trường đã thông tin.

“Đó là những căn cứ mang tính chất khoa học, chứ không cảm tính”, đồng chí Nguyễn Văn Phong khẳng định.

Về việc di dời nhà máy Rạng Đông, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội sẽ sớm di dời nhà máy này. Đối với các nhà máy khác, Thành ủy và UBND thành phố đã có chỉ đạo rà soát lại tất cả các cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất, đặc biệt là hóa chất độc hại; cảnh sát phòng cháy chữa cháy phải tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm.

Về trách nhiệm bồi thường của Công ty Rạng Đông, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, kết quả điều tra về nguyên nhân vụ cháy đã xác định không phải do yếu tố con người. Vì vậy, trách nhiệm bồi thường sẽ căn cứ theo các quy định của pháp luật.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/945570/ha-noi-thong-tin-ve-ket-qua-xu-ly-khac-phuc-hau-qua-vu-chay-tai-cong-ty-rang-dong