Hà Nội: 'Thủ phủ' hàng xách tay phố Nguyễn Sơn từ đâu?

Sân bay Gia Lâm kề cận nhiều trụ sở cơ quan thuộc ngành hàng không, khu trung tâm của đoàn tiếp viên, phi công và đặc biệt, phố Nguyễn Sơn được coi là 'thủ phủ' hàng xách tay.

Sau vụ 4 tiếp viên hàng không xách 11kg ma túy gây sự chú ý rất lớn, dư luận đặt câu hỏi về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường hàng không thế nào? Hàng xách tay từ “đại bản doanh” phố Nguyễn Sơn từ đâu mà có?

Xung quanh vấn đề trên, PV Tri thức và Cuộc sống có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam); Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội và Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Hàng xách tay phố Nguyễn Sơn (Ảnh: Công Luận)

Hàng xách tay phố Nguyễn Sơn (Ảnh: Công Luận)

Có hay không đường dây “đánh” hàng xách tay chuyên nghiệp

- Là xu hướng mua sắm phổ biến hiện nay, hàng xách tay đủ các chủng loại, có xuất xứ từ Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Singapore, Thái Lan, Nga… Vậy, hàng xách tay có được xem là hàng lậu?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Hàng xách tay không có nghĩa là hàng lậu. Theo tiêu chuẩn, quy định, hành khách đi máy bay được quyền mang theo một lượng hành lý, hàng hóa xách tay bao nhiêu kg và được miễn cước. Khi họ bán lượng hàng xách tay này ra thị trường, phải theo quy định của pháp luật Việt Nam về hàng hóa, theo quy định như các hàng hóa khác.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

- Phố Nguyễn Sơn (Hà Nội) được mệnh danh là “thủ phủ” hàng xách tay. Có hay không đường dây chuyên nghiệp “đánh hàng”?

Ông Vũ Vinh Phú: Nếu nhìn bình thường tại phố Nguyễn Sơn, các cửa hàng xách tay chỉ mỗi thứ một tí mang về bán như buôn bán vặt. Nhưng thực ra, tôi được biết có những cửa hàng vận hành như đường dây xách tay từ nước ngoài về, với khối lượng rất lớn, nhưng hiện chưa cơ quan nào xem xét, kết luận.

Có khi cửa hàng như vậy nhưng kho lại ở chỗ khác. Đây là những hàng hóa có thể chưa được kiểm tra về chất lượng, thậm chí nhiều mặt hàng không có hóa đơn chứng từ. Hàng xách tay tại đây phức tạp giữa hàng lậu và không lậu, thật giả lẫn lộn, phải kiểm tra mới làm rõ được.

Nhiều hàng xách tay qua đường hàng không khiến dư luận đặt nghi vấn về đường dây “đánh hàng” chuyên nghiệp.

Trách nhiệm quản lý hàng xách tay thuộc về ai?

- Hàng xách tay chủ yếu qua đường hàng không, trách nhiệm quản lý thuộc về ai?

Ông Vũ Vinh Phú: Sự chênh lệch về vàng, USD, thuốc lá, rượu… mang lại những nguồn thu lãi lớn nên thu hút bộ phận người dân tham gia đường dây đánh hàng xách tay.

Hàng xách tay hay không trên thị trường là trắng đen lẫn lộn. Lúc này, vai trò của các cấp quản lý, cán bộ là rất quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng buôn bán này.

Ông Vũ Vinh Phú.

Ông Vũ Vinh Phú.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Hàng hóa xách tay qua đường hàng không có rất nhiều đơn vị quản lý. Ở sân bay có chi cục hải quan, khi lưu thông tiêu dùng nội địa, ngành công thương quản lý. Các cơ quan chức năng sẽ xem xét hàng hóa có thuộc diện cấm kinh doanh hay không, nguồn gốc hàng hóa, cơ quan thuế sẽ kiểm tra xem đã nộp thuế chưa. Các quy định rất cụ thể, quan trọng là thực hiện thế nào.

- Sau khi xảy ra vụ việc các tiếp viên hàng không xách tay ma túy về nước, Cục Hàng không Việt Nam đã tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, các cơ quan khác như Hải quan cũng có những động thái quyết liệt, hàng xách tay liệu có được quản lý chặt chẽ?

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Trong khâu quản lý đã quy định rõ, hàng xách tay đối với tiếp viên hàng không, hay hành khách đều phải kiểm tra qua máy chiếu khi về Việt Nam. Người nào nhận hàng ký gửi hay của ai khác đều phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Anh không thể nói nhận hàng mà không biết người gửi, không biết hàng hóa thế nào?

An ninh sân bay, an ninh hàng không, hải quan… phải chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra những hành lý, hàng hóa xách tay, ký gửi. Do đó, động thái của các cơ quan chức năng tăng cường, siết chặt quản lý hàng xách tay qua đường hàng không là cần thiết để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa.

Đại biểu Phạm Văn Hòa.

- Ở góc độ người tiêu dùng, cần lưu ý gì khi mua, sử dụng hàng xách tay?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ trước khi mua hàng xách tay. Hàng nhập khẩu chính ngạch được cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát nhưng hàng xách tay các cơ quan chức năng chưa thực sự để mắt đến.

Xin cảm ơn các ông đã trả lời phỏng vấn!

Mời độc giả xem thêm video Danh tính tiếp viên thứ 5 liên quan vụ xách ma túy về nước

Hải Ninh (thực hiện)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/ha-noi-thu-phu-hang-xach-tay-pho-nguyen-son-tu-dau-1823496.html