Hà Nội: thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Thành phố Hà Nội đang nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu hiện đại hóa và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Hà Nội thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: P.V

Hà Nội thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: P.V

Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp

Trên địa bàn Hà Nội, những mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp đang xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần đem lại những giá trị mới có tính bền vững. Hà Nội đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh nắm bắt nhu cầu thị trường, đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm. Chuyển đổi số không chỉ giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất, thu hẹp và loại bỏ các khâu trung gian vốn là vấn đề nan giải nhiều năm qua, việc ứng dụng công nghệ số đang từng bước đưa nền nông nghiệp vận hành theo phương thức truyền thống sang nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại.

Theo thống kê hiện nay, Hà Nội đã xây dựng được 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số hiện nay chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Các mô hình ứng dụng hiệu quả tập trung nhiều tại các huyện như Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…

Điển hình, Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà tại huyện Thường Tín là một trong những đơn vị sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP có diện tích khoảng 10.000m2 để trồng rau mầm, toàn bộ sản phẩm tại hợp tác xã được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ từ việc chọn giống, vệ sinh giá thể cho đến hệ thống nước tưới và chăm sóc rau.

Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà cho biết, để sản phẩm của hợp tác xã được quảng bá và nhiều người biết đến, thuận tiện trong truy xuất của người tiêu dùng, hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ thông tin đăng ký QRcode tích hợp với thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, như quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói...

Người tiêu dùng chỉ với thao tác quét mã QRcode gắn trên sản phẩm bằng smartphone là đã có thể nắm được đầy đủ thông tin nguồn gốc của sản phẩm và không bị lẫn với bất kỳ sản phẩm, nhãn hiệu nào khác cùng loại bán trên thị trường. Từ đó, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, mỗi năm hợp tác xã cung ứng cho thị trường hơn 200 tấn rau mầm các loại.

Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội -Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thủy sản thực phẩm TP Hà Nội (check.hanoi.gov.vn).

Hiện tại, hệ thống đã cấp tài khoản tham gia quản lý cho 3.430 cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản với 13.353 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống.

Việc ứng dụng hệ thống thông tin trong quản lý chuỗi nông sản an toàn đã giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0. Đồng thời, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm đã áp dụng công nghệ thông tin vào chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, GMP…, quản lý logistic kho bãi, bảo quản, xúc tiến liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sẽ kiểm soát được nguồn gốc chất lượng nông sản từ nguyên liệu đến sản phẩm ra thị trường.

Không chỉ vậy, các đơn vị ứng dụng thương mại điện tử, qua các nền tảng xã hội như Facebook, zalo, tiktok… giúp người sản xuất kết nối trực tiếp với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, hợp tác xã phần lớn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số. Nguyên nhân là do chưa có cơ sở dữ liệu lớn phục vụ sản xuất, thiếu minh bạch về nguồn gốc sản phẩm và thiếu kết nối chia sẻ thông tin của các giai đoạn sản xuất, quản lý, logistics, thương mại...

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chuỗi quản lý chất lượng nông sản an toàn đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi đó, nguồn lực của doanh nghiệp, hợp tác xã hạn chế nên đầu tư còn chắp vá, chưa đồng bộ.

TP Hà Nội đang nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu hiện đại hóa và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, UBND TP sẽ bố trí hơn 10 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ các huyện trong việc mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Trong năm 2024, chương trình sẽ được triển khai tại 7 địa điểm, hỗ trợ 28 cơ sở với tổng kinh phí 3.657 tỷ đồng. Năm 2025, kế hoạch mở rộng sang 8 huyện khác, với 49 cơ sở được hỗ trợ, với tổng kinh phí 6.551 tỷ đồng.

Với sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất và công nghệ, Hà Nội đang từng bước đưa nông nghiệp thành phố tiến lên một tầm cao mới. Ngành đã hỗ trợ phần mềm ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp trong tình hình mới, từng bước hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý, giám sát và kiểm soát sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên thị trường... từ đó góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động đối với sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô tập trung phát triển các kênh xúc tiến thương mại điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số, theo đó, sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP; đa dạng hóa các phương thức truyền thông, quảng bá để mở rộng đối tượng khách hàng tham gia các hoạt động giao thương. Đồng thời, phát triển chuỗi cửa hàng sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của địa phương trên các kênh thương mại điện tử và điểm du lịch trên địa bàn thành phố…

Phú An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-thuc-day-qua-trinh-chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-nong-nghiep-386090.html