Hà Nội tích cực tuyên truyền về cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 438/UBND-ĐT về việc đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.
Trước đó, ngày 8/2/2025, Chính phủ đã trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tờ trình số 72/TTr-CP về việc ban hành Nghị quyết này. Theo đó, việc triển khai các cơ chế đặc thù giúp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giảm các vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của hạ tầng giao thông đô thị, giảm áp lực lên hệ thống đường bộ và giải quyết triệt để bài toán ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Trong dự thảo trình Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh cho biết hiện nay hơn 200 thành phố trên thế giới đã triển khai hệ thống này. Thực tiễn cho thấy, các đô thị lớn đều ưu tiên phát triển đường sắt đô thị như một giải pháp chiến lược để giảm ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao an toàn giao thông đô thị.
![Hà Nội và TP.HCM xác định rõ mục tiêu phát triển mạng lưới đường sắt đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng, góp phần tái cơ cấu hệ thống giao thông theo hướng bền vững. Ảnh: Chí Cường](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_72_51458957/d33a4f7c7832916cc823.jpg)
Hà Nội và TP.HCM xác định rõ mục tiêu phát triển mạng lưới đường sắt đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng, góp phần tái cơ cấu hệ thống giao thông theo hướng bền vững. Ảnh: Chí Cường
Nhằm đảm bảo các đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV có đầy đủ thông tin để thảo luận, UBND TP. Hà Nội đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố tích cực hỗ trợ, phối hợp truyền tải nội dung cốt lõi của Nghị quyết.
Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường phổ biến nội dung của Nghị quyết.
UBND thành phố Hà Nội giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải trong việc cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình chuẩn bị và xây dựng Nghị quyết. Các tài liệu này sẽ được gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy cùng các cơ quan báo chí và Đài Phát thanh - Truyền hình của Thành phố nhằm đảm bảo thông tin được truyền tải chính xác, kịp thời.
Thành phố cũng đề nghị các cơ quan báo chí Thành phố chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành thành phố, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền sự cần thiết, mục tiêu, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết đối với tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hoàn thành và quản lý vận hành các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Việc phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội vốn gặp không ít khó khăn do vướng mắc về nguồn vốn, thủ tục hành chính và sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan. Chính vì vậy, Nghị quyết thí điểm các cơ chế đặc thù sẽ là bước đột phá, giúp tháo gỡ những rào cản hiện tại.
Nếu được thông qua, Nghị quyết sẽ mở ra cơ hội thu hút vốn đầu tư, đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng và tối ưu hóa mô hình quản lý, vận hành hệ thống đường sắt đô thị. Đây cũng là một trong những giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông đang ngày càng trở nên nghiêm trọng tại Hà Nội và TP.HCM.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc triển khai Nghị quyết cũng đặt ra không ít thách thức. Việc huy động nguồn vốn, kiểm soát tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình và nâng cao hiệu quả quản lý vận hành sau khi đưa vào sử dụng là những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.
Để thực hiện, Hà Nội cần có các giải pháp đồng bộ, từ hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao năng lực quản lý, tăng cường ứng dụng công nghệ trong xây dựng, vận hành đến đẩy mạnh hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống đường sắt đô thị phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hà Nội và TP.HCM xác định rõ mục tiêu phát triển mạng lưới đường sắt đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng, góp phần tái cơ cấu hệ thống giao thông theo hướng bền vững, hợp lý và hài hòa. Theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị và các quy hoạch đã được phê duyệt, hai thành phố đặt mục tiêu đến năm 2035 cơ bản hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị.
Cụ thể, đến năm 2035, Hà Nội và TP.HCM dự kiến đưa vào khai thác 17 tuyến và đoạn tuyến với tổng chiều dài khoảng 752 km, đảm nhận từ 35 - 50% thị phần vận tải hành khách công cộng. Đến năm 2045, hệ thống sẽ tiếp tục mở rộng với 7 tuyến và 4 đoạn tuyến mới, bổ sung thêm khoảng 355 km, nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng lên 50 - 60%.