Hà Nội tiếp tục áp dụng nhiều nhóm giải pháp giảm ùn tắc giao thông

UBND thành phố Hà Nội thông báo sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND, đã có 29/37 nhiệm vụ hoàn thành góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ theo quy hoạch… Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn để giảm ùn tắc giao thông đường bộ.

Định hướng phát triển Thủ đô xanh và hiện đại

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND Thành phố về việc ban hành Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030”, UBND thành phố đã triển khai đồng bộ 29/37 nhóm giải pháp kết hợp các biện pháp hành chính và kinh tế.

Tỷ lệ đất dành cho giao thông tăng đều hằng năm. Cụ thể: Năm 2016 là 8,83%; năm 2017 là 9,08%; năm 2018 là 9,38%, năm 2019 là 9,75%; năm 2020 là 10,05% và năm 2021 ước đạt 10,21%.

Hà Nội đang áp dụng hàng loạt biện pháp giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Hà Nội đang áp dụng hàng loạt biện pháp giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Thành phố đã giải quyết 63 điểm ùn tắc giao thông, bình quân giải quyết 12 điểm/năm. Năm 2021, đã xử lý 08/37 điểm ùn tắc giao thông. Các điểm ùn tắc giao thông phát sinh thêm chủ yếu tập trung tại các công trường đang thi công các công trình đầu tư xây dựng, sẽ được xử lý triệt để khi công trình hoàn thành.

Từ khi ban hành Nghị quyết đến nay, tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô liên tục giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Trong 11 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn thành phố xảy ra: 737 vụ làm 304 người chết, 496 người bị thương, giảm 166 vụ (18,38%), giảm 81 người chết (21,04%), giảm 101 người bị thương (16,92%) so với cùng kỳ năm 2020.

Hoạt động vận tải hành khách công cộng tiếp tục được thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo thực hiện. Năm 2021, Hà Nội đã mở mới 14 tuyến buýt, nâng tổng số tuyến buýt trong toàn mạng lên 140 tuyến.

Mới đây, ngày 2-12, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội và Công ty TNHH dịch vụ sinh thái VinBus tổ chức khai trương 03 tuyến buýt điện đầu tiên của Việt Nam đánh dấu cột mốc quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của thành phố nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, mang đến "trải nghiệm xanh", tiện nghi cho người dân.

Cùng với đó, sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã vận hành an toàn gần 6.000 chuyến tàu, đạt 100% kế hoạch. Đây cũng là một chuyển động mới của giao thông Thủ đô mang đến chất lượng phục vụ tốt nhất cho hành khách khi sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị.

Hệ thống giao thông công cộng thuận tiện và phù hợp với nhu cầu của người dân sẽ là giải pháp quan trọng giúp giảm mật độ sử dụng phương tiện cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hệ thống giao thông công cộng thuận tiện và phù hợp với nhu cầu của người dân sẽ là giải pháp quan trọng giúp giảm mật độ sử dụng phương tiện cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Kết quả này đạt được là nhờ UBND thành phố Hà Nội đã chủ động, tập trung chỉ đạo có kế hoạch, lộ trình, phân công rõ người, rõ việc, rõ đầu mối chủ trì, cùng với sự triển khai tích cực của các sở, ban, ngành, chính quyền các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan. Đối với các nhiệm vụ vượt quá thẩm quyền trong Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND cũng đã được UBND thành phố tổng hợp báo cáo Chính phủ và được Chính phủ thống nhất chủ trương, quan tâm chỉ đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương phối hợp thực hiện.

Các nhóm giải pháp lớn để giảm ùn tắc giao thông trong thời gian tới

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện nhấn mạnh, trước tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố vẫn còn phức tạp, Thủ đô đang triển khai 6 nhóm giải pháp lớn để cải thiện tình trạng này.

Trong đó, giải pháp thứ nhất là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016.

Việc đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông công cộng xanh, tiện ích là một hướng đi dài hạn để giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường tại Thủ đô.

Việc đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông công cộng xanh, tiện ích là một hướng đi dài hạn để giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường tại Thủ đô.

Thứ hai, khi chưa có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ mà muốn giảm ùn tắc giao thông thì phải triển khai tổ chức giao thông hợp lý.

Thứ ba, phát triển vận tải hành khách công cộng đi liền với việc giảm phương tiện giao thông cá nhân chính (là Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND).

Thứ tư, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, trong đó, bao gồm việc xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh để tối ưu hóa, cung cấp thông tin để người dân lựa chọn tuyến đường hợp lý.

Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động giáo dục để xây dựng văn hóa giao thông.

Thứ sáu, tăng cường xử lý đối với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Ngoài ra, tại Kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua “Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025” với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, điển hình như: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp, các đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông;

Rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thành phố Hà Nội; thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch xây dựng, huy động nguồn lực, bổ sung quỹ đất phục vụ giao thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kiên quyết có hiệu quả các vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải…

Bài, ảnh: NGỌC HUY

* Bài tuyên truyền theo Nghị quyết số 84/NQ-CP.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ha-noi-tiep-tuc-ap-dung-nhieu-nhom-giai-phap-giam-un-tac-giao-thong-680819