Hà Nội tiếp tục cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, triển khai Đề án 06

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho rằng, Hà Nội cần rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn cơ chế, chính sách nhất là liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Tiếp tục cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, triển khai Đề án 06.

Ứng dụng công nghệ thông tin thay đổi cung cách quản lý

Tại hội nghị đánh giá kết quả các chỉ số: Par Index, Sipas, PCI, PGI của Hà Nội sáng 29/8, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long đánh giá cao kết quả cải cách hành chính (CCHC) của Hà Nội đã đạt được trong năm 2023.

Thứ trưởng Trương Hải Long tin tưởng Hà Nội sẽ có kế hoạch cụ thể để nâng cao từng chỉ số. Từng cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ cụ thể tới từng cán bộ, công chức để khắc phục tồn tại, tận dụng phát triển hết dư địa, đạt kết quả cao hơn trong năm 2024".

Ở góc độ Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nêu CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, trong đó có nhiều chỉ số nếu không đổi mới, cập nhật kịp thời, bám sát chỉ đạo của Chính phủ để có giải pháp đổi mới, nếu không sẽ có tình trạng "năm trước thì cao, năm sau lại thấp thấp".

Về các nội dung cụ thể, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị thành phố tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công tác chỉ đạo điều hành trong đó chú trọng vai trò của người đứng đầu. Trong đó, Thứ trưởng phân tích cần đổi mới trong cách làm, công nghệ, phát huy hiệu quả các cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin thay đổi cung cách quản lý.

Quảng cảnh hội nghị.

Quảng cảnh hội nghị.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn cơ chế, chính sách nhất là liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Tiếp tục cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, triển khai Đề án 06. Trong đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý chỉ số hài lòng của người dân; đẩy mạnh điện tử hóa các mẫu đơn tờ khai; nâng cấp cổng dịch vụ công trực tuyến theo hướng thân thiện, tiện lợi cho người dân; ban hành chính sách thúc đẩy việc thực hiện các thủ tục dịch vụ công trực tuyến…

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng đề nghị thành phố tiếp tục chấn chỉnh và thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân nhất là những vấn đề liên quan đến những nhiễu ở bộ phận một cửa.

Bên cạnh đó, đổi mới tư duy, phát huy vai trò, quyết tâm, trách nhiệm và năng lực của người đứng đầu các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai từng nhiệm vụ CCHC. Đổi mới cách làm, không ngừng nghiên cứu, học hỏi và mạnh dạn thí điểm những mô hình, cách làm mới, tạo đột phá về kết quả, hiệu quả trong từng nội dung, lĩnh vực CCHC.

Ngoài ra, cần đổi mới công nghệ, CCHC và chuyển đổi số là 2 nội dung luôn bổ trợ cho nhau, không thể tách rời nhau. Chuyển đổi số vừa là nhiệm vụ CCHC vừa là phương tiện hỗ trợ, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy nhanh tiến trình cải cách.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, sắp tới khi Luật Thủ đô có hiệu lực, Hà Nội sẽ thực sự có cơ chế, nguồn lực để đề xuất cơ chế, mô hình đặc thù với yêu cầu đặt ra cao hơn. Đặc biệt là có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; thực hiện công khai minh bạch, giải quyết triệt để tình trạng né tránh, đùn đầy trách nhiệm.

Sử dụng trợ lý ảo trong xử lý công việc, tiếp tục công khai minh bạch

Hội nghị đánh giá kết quả các chỉ số: Par Index, Sipas, PCI, PGI của Hà Nội đã phân tích và đánh giá toàn diện các Chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền, chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, đồng thời đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cần thực hiện trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, Thành phố xác định, việc triển khai xây dựng cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện phải xác định rõ hướng tới người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, trung tâm phát triển.

Như ứng dụng iHanoi Hà Nội vừa triển khai là kênh tương tác để người dân đóng góp ý kiến xây dựng Thủ đô. Ứng dụng iHanoi khi được triển khai đã được sự ủng hộ của đông đảo người dân.

"Người dân nhắn tin cho cán bộ đánh giá cao, ủng hộ. Nhiều nội dung khi người dân phản ánh được chính quyền đến xử lý ngay, báo cáo ngay trên hệ thống", Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết.

Từ đó, Thành phố nhận định, các đơn vị cần chủ động, sáng tạo, nhận tiên phong trong việc những mô hình mới để đánh giá, nhân rộng. Vừa qua, Hà Nội đã chủ động đề xuất Trung ương những cách làm hiệu quả và thành công như cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID, sổ sức khỏe điện tử, trông giữ xe không dùng tiền mặt…

Ngay trong năm 2024, các đơn vị cần tập trung phân công và triển khai ngay các nội dung của Luật Thủ đô và các quy hoạch; trong tháng 9 này trình sẽ HĐND Thành phố về việc thí điểm Trung tâm Hành chính công cấp thành phố.

Phó Chủ tịch Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ tăng cường việc trực tiếp kiểm tra, giám sát qua dữ liệu; tiếp tục rà soát đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: "Hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến, hướng tới dịch vụ công trực tuyến toàn trình; cắt giảm quy trình không cần thiết, tái cấu trúc quy trình bởi quy trình thông minh thì ứng dụng mới thông minh, lúc đó mới giảm thời gian, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp".

Thành phố cũng sẽ tăng cường sử dụng trợ lý ảo trong công tác xử lý công việc hàng ngày; cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; triển khai cơ chế thu nhập tăng thêm để đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, công chức.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục công khai minh bạch các kết quả thực hiện để người dân giám sát bởi đây là cách giám sát hiệu quả mới; đổi mới công tác đánh giá cán bộ; thành phố sẽ dùng phần mềm đánh giá, lấy sự hài lòng của người dân để đánh giá…

Trên cơ sở kết quả đánh giá hôm nay, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị, địa phương cần chủ động rà soát, phân tích và đánh giá kỹ càng tại địa phương mình, xác định rõ những nội dung đã đạt được, những nội dung nào chưa đạt, trách nhiệm thuộc về đơn vị hay cá nhân nào, đồng thời đưa ra giải pháp cụ thể để khắc phục trong thời gian tới./.

Đăng Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/ha-noi-tiep-tuc-cai-cach-hanh-chinh-gan-voi-chuyen-doi-so-trien-khai-de-an-06-20240829163913128.htm