Hà Nội: Tiếp tục rà soát, phân cấp mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực quảng cáo

Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị đánh giá thêm tiềm năng, lợi thế của thành phố trong lĩnh vực quảng cáo; chủ động triển khai khi Luật Thủ đô được thông qua.

Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông về lĩnh vực quảng cáo trên địa bàn thành phố. (Ảnh: Hanoi)

Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông về lĩnh vực quảng cáo trên địa bàn thành phố. (Ảnh: Hanoi)

Ngày 31/5, làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quảng cáo trên địa bàn thành phố từ năm 2018 đến nay, đại diện Ban Văn hóa-Xã hội Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị làm rõ quy chế phối hợp giữa các cơ quan cấp thành phố để giải quyết nhanh, gọn, rõ ràng; Tiếp tục rà soát, phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn về lĩnh vực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo, nhất là những nội dung đã giao cho địa phương.

Theo bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, trong hoạt động quảng cáo theo hình thức xã hội hóa, trên địa bàn thành phố có 45 vị trí đã lắp dựng, trong đó Sở đã chấp thuận nội dung quảng cáo tại 28 cầu vượt nhưng đến nay các văn bản đã hết hiệu lực. Sở đã dừng chấp thuận nội dung thông báo sản phẩm quảng cáo tại cầu vượt cho người đi bộ theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố tại văn bản số 256/TB-UBND ngày 8/3/2019.

Thông tin thêm, bà Vân Anh cho hay, toàn thành phố hiện có 11.886 bảng quảng cáo tại các thùng rác công nghệ theo dự án xã hội hóa được Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép thực hiện, trong đó, Sở chấp thuận nội dung quảng cáo thí điểm tại 587 thùng rác công nghệ trên địa bàn 6 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân).

Đáng chú ý, để đáp ứng xu hướng phát triển ngành quảng cáo trên địa bàn trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, Sở đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các văn bản của Nhà nước, thành phố trong hoạt động quảng cáo; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn liên quan đến hoạt động quảng cáo, định hướng xây dựng ngành quảng cáo thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

 Lực lượng chức năng phun sơn những quảng cáo không đúng quy định. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lực lượng chức năng phun sơn những quảng cáo không đúng quy định. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng với đó, Sở cũng tập trung chỉ đạo hoàn thiện, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến giải quyết hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước đối với ngành quảng cáo. Xây dựng Đề án phát triển quảng cáo ngoài trời với tầm nhìn từ 5 năm đến 10 năm; thường xuyên thanh kiểm tra, kịp thời xử lý những vi phạm trong lĩnh vực này.

Về công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Nguyễn Tiến Sỹ cho biết từ năm 2018 đến nay, Sở đã tập trung rà soát, xử lý các hành vi vi phạm về quảng cáo sản phẩm, dịch vụ bị cấm; quảng cáo sản phẩm, dịch vụ tài chính bất hợp pháp; quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật… Qua rà soát 253 trang thông tin điện tử, Sở đã tổng hợp 92 đơn vị có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật quảng cáo.

Đối với công tác xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo, Sở Thông tin và Truyền thông đã sử dụng hệ thống nhắn tin định danh "Brandname" thực hiện nhắn 650 tin nhắn để thông báo mời các chủ thuê bao đến làm việc; đã xử phạt 8 tổ chức, 5 cá nhân vi phạm tin nhắn rác, cuộc gọi rác; đã đề nghị doanh nghiệp viễn thông tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với 538 số điện thoại thực hiện cuộc gọi rác, tin nhắn rác.

Từ năm 2018 đến nay, Sở đã đề nghị doanh nghiệp viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ đối với 4.871 số điện thoại thực hiện quảng cáo rao vặt sai quy định. Sở đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã xử phạt vi phạm hành chính đối với 156 chủ thuê bao sử dụng số điện thoại liên hệ trên quảng cáo, rao vặt sai quy định với số tiền xử phạt là 241,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên thực hiện rà soát vi phạm trên môi trường mạng, xử phạt vi phạm về quảng cáo trên mạng (năm 2022 và 2023) hơn 300 triệu đồng.

Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình khẳng định, hoạt động quảng cáo không chỉ là dịch vụ mà còn là văn hóa gắn với Thủ đô Hà Nội.

Đồng tình với những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập mà các đơn vị đã chỉ ra, để có giải pháp tháo gỡ, Đoàn giám sát đề nghị 2 Sở phân tích, đánh giá thêm tiềm năng, lợi thế của thành phố trong lĩnh vực quảng cáo; những đóng góp của lĩnh vực quảng cáo với thành phố trong thời gian qua, đồng thời, rà soát kỹ các nội dung được quy định tại Luật Thủ đô sửa đổi để chủ động nắm bắt, triển khai nhanh chóng, khi Luật được thông qua.

Trưởng ban Văn hóa-Xã hội Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đề nghị các Sở tiếp tục rà soát tổng thể đối với những nội dung theo nhóm vấn đề để phân loại cụ thể, trên cơ sở đó có giải pháp xử lý triệt để, đồng thời, làm rõ quy chế phối hợp giữa các cơ quan cấp thành phố để giải quyết nhanh, gọn, rõ ràng; Tiếp tục quan tâm tới công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên, tránh tình trạng chỉ kiểm tra theo đợt ra quân làm giảm hiệu lực công tác thanh tra./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-tiep-tuc-ra-soat-phan-cap-manh-me-hon-trong-linh-vuc-quang-cao-post956665.vnp