Hà Nội: Tổ chức biên soạn và thực hiện nội dung giáo dục địa phương

Giáo dục địa phương là nội dung giáo dục bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc tổ chức biên soạn và thực hiện nội dung giáo dục địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm thực hiện mục tiêu môn học, giúp học sinh gắn kết kiến thức được học với những vấn đề văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị - xã hội, môi trường của Hà Nội. Từ đó, góp phần hình thành và phát triển ở học sinh các phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù.

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 274/KH-UBND về tổ chức biên soạn và thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch nêu rõ: Đối với cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương gồm một số vấn đề cơ bản hoặc thời sự về: Lịch sử hình thành, phát triển, truyền thống quê hương; lễ hội, nghệ thuật truyền thống, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa; phong tục, tập quán địa phương; địa lý, dân cư; cảnh quan thiên nhiên, môi trường tự nhiên; ngành nghề, làng nghề truyền thống của địa phương; một số nội dung về kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng kỷ cương, pháp luật; bảo vệ môi trường tự nhiên tại địa phương, an toàn giao thông.

Theo Kế hoạch, năm 2021 sẽ hoàn thiện tài liệu giáo dục địa phương cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 12. (Ảnh minh họa)

Theo Kế hoạch, năm 2021 sẽ hoàn thiện tài liệu giáo dục địa phương cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 12. (Ảnh minh họa)

Nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm. Đồng thời tích hợp hoặc sử dụng trong dạy học các môn học ở từng lớp gắn với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương, đất nước; các hoạt động giáo dục tư tưởng chính trị, từ thiện vì cộng đồng tại địa phương; các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh, góp phần hình thành và phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh tiểu học.

Đối với cấp trung học, nội dung giáo dục địa phương được biên soạn thành bộ tài liệu giáo dục địa phương thành phố Hà Nội có vị trí như sách giáo khoa với nội dung về giáo dục địa phương thuộc 7 lĩnh vực: Văn hóa, Lịch sử truyền thống, Địa lí, Kinh tế, Hướng nghiệp, Chính trị - xã hội, Môi trường được thực hiện ở các môn học: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Sinh học…

Nội dung giáo dục địa phương ở cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông có vị trí tương đương các môn học bắt buộc, thời lượng 35 tiết/năm học/lớp, từ lớp 6 đến lớp 12. Tài liệu được biên soạn theo từng bài học, chủ đề hoặc theo nhóm chủ đề; có hình ảnh minh họa phong phú và hệ thống câu hỏi hướng dẫn tìm hiểu bài phù hợp với đối tượng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông Thủ đô.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tham mưu UBND thành phố thành lập Hội đồng biên soạn tài liệu. Trong đó, các thành viên tham gia Hội đồng biên soạn là cán bộ quản lý giáo dục các cấp, các nhà giáo, các chuyên gia, cán bộ khoa học, các nhà hoạt động văn hóa có trình độ chuyên môn sâu thuộc các lĩnh vực liên quan và có kinh nghiệm về biên soạn chương trình phổ thông.

Theo kế hoạch, trong năm 2020, tài liệu giáo dục địa phương sẽ được tổ chức biên soạn, hoàn thiện và tổ chức dạy đại trà đối với học sinh lớp 1 trên địa bàn thành phố; năm 2021 sẽ hoàn thiện tài liệu giáo dục địa phương cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 12.

P.T

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ha-noi-to-chuc-bien-soan-va-thuc-hien-noi-dung-giao-duc-dia-phuong-101866.html