Hà Nội tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 257 về việc tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.
Lễ tưởng niệm được tổ chức từ 20h ngày 19/11/2021 (thứ sáu), được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam và đài truyền hình các tỉnh, thành phố tiếp sóng. Chủ thể tổ chức lễ tưởng niệm là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh.
Lễ thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân tử vong vì Covid-19 tại tu viện Khánh An. (Ảnh: Báo Giác ngộ)
Bài liên quan
Những nghi thức nào sẽ có ở Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do dịch Covid-19?
Nhiều tỉnh thành Tây Nam Bộ sẽ tổ chức lễ tưởng niệm những người đã mất vì Covid-19
Điểm cầu thành phố Hà Nội tại sân khấu đa năng, Công viên Thống Nhất, phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng). Thành phần đại biểu tham dự lễ tưởng niệm gồm đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; đại diện lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thành phố Hà Nội; đại diện một số tổ chức tôn giáo; đại diện các đơn vị, lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố Hà Nội; đại diện thân nhân, gia đình đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.
Buổi lễ nhằm tưởng niệm đồng bào tử vong và tri ân, biểu dương cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh vì dịch Covid-19, thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành phố Hà Nội trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân, lan tỏa tình nhân ái cộng đồng, tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch.
Thông qua đó, khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc tổ chức lễ tưởng niệm phải bảo đảm trang nghiêm, trang trọng, tiết kiệm; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Trước đó, chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu bày tỏ quan điểm: “Tôi cho rằng, việc tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch COVID-19 có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và rất kịp thời. Điều đó sẽ làm ấm lòng “người đi”, đồng thời chia sẻ bớt phần nào nỗi đau với “người ở lại”. Nếu chúng ta tổ chức thật tốt Lễ tưởng niệm, sẽ xây dựng niềm tin của đồng bào, khơi dậy đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam”.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ: “Giai đoạn đầu khi đại dịch COVID mới xuất hiện, chúng ta đã xác định “chống dịch như chống giặc”, trong lịch sử Việt Nam chưa từng xảy ra đại dịch như thế, cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân đồng lòng tham gia phòng, chống dịch; đồng bào ta ở nước ngoài cũng hướng về Tổ quốc và hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần... Sự hy sinh của nhân dân, đồng chí, đồng đội là rất lớn. Do đó, rất cần thiết có 1 ngày để tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch COVID-19”.
Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Qua Lễ tưởng niệm, chúng ta tưởng nhớ, tri ân được đồng bào, chiến sĩ, đặc biệt là đối với đồng bào, chiến sĩ đã mất mát, hy sinh do dịch bệnh. Thứ hai là tôn vinh hành động hy sinh của đồng bào, chiến sĩ. Đó chính là truyền thống văn hóa cao đẹp, xây dựng được niềm tin về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam. Việc này có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với các thế hệ người Việt, đó là trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong phòng, chống dịch bệnh, thảm họa thiên tai thì luôn phát huy được sức mạnh đoàn kết, đồng lòng của nhân dân và hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng cho rằng: “Đại dịch COVID-19 đã thử thách tinh thần, ý chí, sức mạnh thực sự của con người Việt Nam. Đã có nhiều tấm gương trong và ngoài ngành y xả thân cứu người. Họ đã đem hết sức lực, trí tuệ, tâm huyết để cống hiến cho xã hội, chăm sóc, cứu người bệnh, bảo vệ cộng đồng. Những hành động cao đẹp đó có sức lay động tâm cam con người rất lớn, là động lực cho cộng đồng cùng chung tay chống dịch. Tôi thiết nghĩ, chúng ta cần tôn vinh những tấm gương đó ở mức cao”.
“Nên lựa chọn tập thể có hành động tiêu biểu “anh hùng” giống như trong đánh giặc để tuyên dương. Những cá nhân có hành động tiêu biểu trên mặt trận này cũng cần được phong tặng anh hùng, để nêu gương và tiếp tục phát huy truyền thống này không chỉ trong đại dịch COVID-19 mà còn lan tỏa, phát huy sức mạnh nguồn lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tộc mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn có thể xảy ra trong tương lai”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói.