Hà Nội: Triển khai tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ em; chủ động phòng dịch bệnh sau mưa lũ, ngập lụt

UBND TP. Hà Nội mới ban hành Kế hoạch số 278/KH-UBND về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi trên địa bàn năm 2024.

Hà Nội triển khai tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi cho trẻ em. (Nguồn: CDC Hà Nội)

Hà Nội triển khai tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi cho trẻ em. (Nguồn: CDC Hà Nội)

Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024

Mục tiêu đặt ra là trên 95% trẻ 1-5 tuổi đang sống ở Thủ đô Hà Nội chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định được tiêm 1 mũi vaccine phòng bệnh sởi - rubella (MR).

Đối tượng được tiêm vaccine trong kế hoạch này là trẻ từ 1-5 tuổi đang sống trên địa bàn TP. Hà Nội và các nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi trên địa bàn thành phố chưa được tiêm đủ mũi theo quy định.

Thời gian triển khai tiêm trong quý III-IV năm 2024, sau khi Bộ Y tế cung ứng vaccine tại tất cả 579 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố.

Địa điểm tổ chức tiêm là tại trạm y tế; trường mầm non, mẫu giáo và các điểm tiêm chủng lưu động khác tùy thuộc tình hình thực tế tại địa phương.

Kế hoạch ngoại trừ đối tượng đã được tiêm vaccine có chứa thành phần sởi hoặc tiêm vaccine sởi - rubella (MR) hay vaccine có chứa thành phần sởi và rubella trong vòng một tháng trước khi triển khai tiêm và đối tượng đã tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định.

UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức rà soát đối tượng và tiêm tại các trường mầm non, mẫu giáo. UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi trên địa bàn.

Đồng thời, UBND thành phố yêu cầu các cấp chính quyền, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền trước, trong và sau khi triển khai chiến dịch về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, đối tượng, mục tiêu của chiến dịch, đặc biệt là hiệu quả và phản ứng phụ có thể gặp phải của vaccine.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan phải bảo quản vaccine theo đúng quy định, bảo đảm đủ vaccine và vật tư tiêm chủng; bố trí các đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng để xử lý kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng…

Trước đó, từ ngày 13-20/9, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2 ca mắc sởi; trong đó có một bé gái (15 tháng tuổi tại quận Đống Đa) có tiền sử chưa tiêm vaccine sởi và bé trai (7 tuổi ở quận Hoàng Mai) tiêm vaccine sởi chưa đầy đủ.

Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội có 6 ca mắc sởi.

Mưa lớn gây ngập úng tại nhiều địa điểm ở huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội (Nguồn: Báo Tiền phong)

Mưa lớn gây ngập úng tại nhiều địa điểm ở huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội (Nguồn: Báo Tiền phong)

Chủ động giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch, bệnh sau mưa lũ, ngập lụt

Trong tuần qua (13-19/9), CDC Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch.

Đồng thời, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đối với khu vực ngập lụt do mưa lũ tại Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Đình, Đan Phượng, Thường Tín, Mê Linh, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Thanh Trì. Giám sát hoạt động phòng chống bệnh dại tại huyện Sóc Sơn. Thực hiện công tác thống kê, báo cáo theo quy định.

CDC Hà Nội nhận định, hiện tại bắt đầu giai đoạn cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết hằng năm tại Hà Nội (tháng 9-11) với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, kết hợp mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Ngoài ra, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hóa. Tại Hà Nội đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc sởi trên địa bàn, vì vậy dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc sởi, đặc biệt là vào 3 tháng cuối năm.

Trong tuần tới, CDC Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại Quất Động (Thường Tín), Phùng Xá (Thạch Thất), Khương Đình (Thanh Xuân), Thượng Cát (Bắc Từ Liêm), Tân Hội (Đan Phượng), Nhật Tân (Tây Hồ), Hàng Bột (Đống Đa), Mỹ Hưng (Thanh Oai), Hợp Đồng (Chương Mỹ). Giám sát hoạt động phòng, chống bệnh dại tại huyện Thạch Thất.

Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức xử lý kịp thời, hiệu quả các ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch có nhiều bệnh nhân. Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực bị ảnh hưởng do ngập lụt.

Phối hợp với ban ngành, đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi nước rút (nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó); tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao sau khi đã thực hiện vệ sinh môi trường.

Tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau ngập lụt để xử lý kịp thời như: sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ, cúm, tả, thương hàn …

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại tại địa phương trong suốt tuần lễ diễn ra hưởng ứng.

Tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống một số dịch bệnh như: sốt xuất huyết, ho gà, sởi, tay chân miệng…

Với các bệnh có vaccine, khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ha-noi-trien-khai-tiem-chung-vaccine-soi-cho-tre-em-chu-dong-phong-dich-benh-sau-mua-lu-ngap-lut-287461.html