Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo hàng đầu: Sẽ có sự đóng góp không nhỏ của Luật Thủ đô
Trong khuôn khổ sự kiện 'Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam' (Techconnect & Innovation) năm 2024, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Tọa đàm 'Vai trò của đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp Thủ đô'.
Techconnect & Innovation năm 2024 là hoạt động nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959 - 2024) và 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954 - 2024), do Bộ KH&CN và UBND TP Hà Nội phối hợp tổ chức.
Địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo
Cuối năm 2023, Hà Nội được vinh danh “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”. Ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Hà Nội cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước và khu vực, với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể, các doanh nghiệp (DN) là trung tâm.
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023. Hà Nội hiện đang đứng đầu toàn quốc về số lượng DN KH-CN trên địa bàn với 168 trên tổng số khoảng 800 DN KH-CN của cả nước (chiếm 21%). Thành phố có hơn 1.000 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước. Trên địa bàn thành phố có gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại kết quả tích cực. Chuyển đổi số diễn ra sôi nổi trong tất cả các lĩnh vực.
Chia sẻ về các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với DN, ông Nguyễn Trường Phi - Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo là “chìa khóa” để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững và đi tắt đón đầu trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Các cơ chế, chính sách cơ bản đã tạo lập được hành lang pháp lý, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ của DN trong các giai đoạn nghiên cứu, phát triển, sản xuất và thương mại, đồng thời phù hợp với các nhóm DN có trình độ, năng lực công nghệ khác nhau. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính cũng khuyến khích DN quan tâm và ngày càng mạnh dạn đầu tư cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, đối với các DN Thủ đô, ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ chung còn được hưởng các ưu đãi đặc thù được quy định tại Luật Thủ đô sửa đổi năm 2024.
Tuy nhiên, để các chính sách này thực sự đi vào thực tiễn cần sự đồng bộ hơn nữa giữa các Bộ, ngành, địa phương. Theo ông Nguyễn Trường Phi, DN được chia theo các nhóm dựa trên mục tiêu phát triển. Để đáp ứng được nhu cầu của các nhóm đối tượng khác nhau thì cần đưa ra những gói chính sách riêng làm sao để các nhóm này có thể “hấp thụ” được khi chính sách được đưa ra.
Theo ông Nguyễn Võ Hưng, Ban Chính sách đổi mới sáng tạo, Viện Chiến lược chính sách KH-CN, việc hợp tác giữa DN và các tổ chức nghiên cứu chính là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong đó, ông nhấn mạnh cần chú trọng đến dịch vụ khuyến công nghệ để giúp các DN tiếp cận tốt hơn cơ hội nghiên cứu, cải tiến, ứng dụng công nghệ. Luật Thủ đô sửa đổi năm 2024 đã góp phần tháo gỡ những “điểm nghẽn”, vướng mắc trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô. Trong đó bao gồm việc phát triển các quy định cụ thể hỗ trợ hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ DN đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng như việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực, đặc biệt là những công nghệ mới...
Sẽ ưu tiên hoàn thiện khung pháp lý
Thực tế, TS. Dương Thị Kim Liên - Viện trưởng Viện Hỗ trợ đổi mới sáng tạo DN cho rằng, nhiều DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Dù có các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ và thành phố, nhưng các thủ tục hành chính và yêu cầu pháp lý vẫn còn khá phức tạp. Mặt khác, một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo là sự hợp tác chặt chẽ giữa DN và các viện nghiên cứu, trường đại học. Tuy nhiên, tại Hà Nội, mối quan hệ giữa các DN và các tổ chức nghiên cứu chưa thực sự được thiết lập mạnh mẽ.
Bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập VietNam Silicon Valley cho rằng, với lợi thế 100 triệu dân và GDP (tổng sản phẩm trong nước) tăng trưởng nhanh, Việt Nam sẽ trở thành thị trường có sức tiêu dùng lớn để các DN hướng đến. Bà Thạch Lê Anh kiến nghị cần khuyến khích hỗ trợ khối tư nhân thành lập Hiệp hội đầu tư mạo hiểm và có chính sách miễn giảm thuế cho các nhà đầu tư thiên thần để thúc đẩy phát triển DN.
Ông Đỗ Hoàng Tú - Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở KH&CN Hà Nội cho biết, những năm qua, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ hoạt động ứng dụng chuyển giao công nghệ, tạo khung pháp lý thuận lợi cho hoạt động này của thành phố. Trong các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố triển khai năm 2023 có 4 nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu ứng dụng, giải mã, làm chủ công nghệ từ nước ngoài vào Hà Nội.
Ông Đỗ Hoàng Tú cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó ưu tiên việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cụ thể hóa các chính sách đã được quy định tại Luật Thủ đô sửa đổi. Để từ đó huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội, phát huy các lợi thế cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô…
Hà Nội cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chia sẻ, Hà Nội là địa phương tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia), với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc. Thành phố xác định đây là lợi thế đặc biệt quan trọng để Thủ đô tập trung đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các DN, tổ chức và nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.