Hà Nội truy đơn vị trồng cây còn nguyên bọc bầu bằng vật liệu không tiêu hủy
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh, đối với việc trồng cây mà trồng nguyên bầu cây sử dụng vật liệu khó tiêu, cây không phát triển được sẽ truy tìm chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thực hiện trách nhiệm.
Chiều 3/10, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế-xã hội quý 3 năm 2024 do UBND thành phố Hà Nội tổ chức, thông tin về công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, Thành phố có hơn 11.756 cây xanh bị đổ, bật gốc. Thành phố đã chỉ đạo triển khai phương án trồng dựng lại tại chỗ khoảng 3.418 cây xanh (trong đó có khoảng hơn 100 cây quý hiếm, cây di sản, cây được bảo tồn và cây cổ thụ); chuyển về vườn ươm để chăm sóc khoảng 580 cây. Công tác giải tỏa đảm bảo an toàn giao thông khoảng 7.420 cây. Đang tiếp tục vận chuyển gỗ củi của 215 cây về kho bãi. Đến nay công tác giải tỏa đã hoàn thành đạt khoảng trên 98% khối lượng.
Liên quan đến cây đổ lộ nguyên bọc bầu, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, việc trông cây đổ sau thiên tai theo tiêu chuẩn kỹ thuật thành phố phê duyệt. Qua thống kê, sau cơn bão số 3 vừa qua, cây xanh do thành phố quản lý có 11.756 cây đổ, phát hiện có 12 cây còn nguyên bọc bầu khi trồng, trong đó 7 cây có lưới không tiêu hủy, 5 cây bọc nylon, giấy, xi măng.
"Việc đầu tư để trồng cây, Sở Xây dựng không làm, mà sau khi trồng cây xong, Sở Xây dựng đảm nhiệm việc duy tu, duy trì, cắt cây, tỉa cành, tưới cây. Đây là việc mà Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm. Năm 2014, Sở Xây dựng đã rà soát 1 lần. Lần này, với 12 cây này, chúng tôi tiếp tục truy tìm chủ đầu tư để chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thực hiện trách nhiệm của mình", ông Hưng nói.
Đại diện Sở Xây dựng cũng lưu ý việc thi công hạ tầng kỹ thuật sau khi các quận, huyện cải tạo vỉa hè cũng ảnh hưởng đến rễ cây "phồng lên".