Hà Nội: Tự kiểm tra nội bộ, chưa phát hiện tham nhũng
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tình hình tham nhũng trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, lĩnh vực tham nhũng rộng, tiềm ẩn trong một số lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, GPMB, mua sắm công...
Để phục vụ cho kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội khóa XV, UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.
Theo báo cáo, Hà Nội xác định phòng chống tham nhũng là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng. Công tác phòng chống tham nhũng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...
Báo cáo nêu rõ, tình hình tham nhũng trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, lĩnh vực tham nhũng rộng, tiềm ẩn trong một số lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, GPMB, đầu tư xây dựng, tài chính ngân sách, mua sắm công...
Nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế trên là do công tác quản lý nhà nước còn bộc lộ nhiều kẽ hở, trình độ quản lý còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách hoặc lợi dụng nhiệm vụ được giao làm trái quy định, quy trình công tác để vụ lợi.
Trong khi đó, một số đơn vị chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng; các cơ quan phòng chống tham nhũng tại một số đơn vị, địa phương còn lúng túng trong việc đề ra các giải pháp, phòng ngừa, chống tham nhũng; chưa quan tâm đúng mức đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.
Đề cập đến kết quả trong công tác phòng chống tham nhũng, báo cáo của UBND TP Hà Nội cho hay, công tác phòng chống tham nhũng được UBND TP quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy.
UBND TP đã xây dựng kế hoạch công tác phòng chống tham nhũng năm 2020, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa như: tăng cường công khai minh bạch, đẩy mạnh cải cách hành chính, quan tâm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm theo quy định của pháp luật.
Các vụ việc tham nhũng, tiêu cực được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng".
Đề cập đến kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, UBND TP Hà Nội cho biết, năm 2020, Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, phát huy Quy chế dân chủ và công khai các hoạt động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị để phòng ngừa tham nhũng. Công tác tự kiểm tra nội bộ của các đơn vị chưa phát hiện và xử lý vụ việc nào có liên quan đến tham nhũng.
Tuy nhiên, qua công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo đã phát hiện, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 05 vụ. Trong đó, 03 vụ qua thanh tra (thẩm quyển UBND huyện Đông Anh: 01 cuộc; UBND huyện Chương Mỹ: 02 cuộc); 02 vụ qua giải quyết khiếu nại tố cáo (thẩm quyền thuộc UBND huyện Chương Mỹ và UBND huyện Ứng Hòa).
Dẫn số liệu về việc giải quyết các vụ án tham nhũng, báo cáo của UBND TP cho hay, năm 2020, Công an TP Hà Nội đã thụ lý 48 vụ với 88 bị can (trong đó: kỳ trước chuyển sang 21 vụ - 58 bị can; khởi tố trong kỳ 25 vụ - 21 bị can; án điều tra bổ sung: 02 vụ - 09 bị can).
Đến nay, đã kết thúc 25 vụ - 51 bị can (Trong đó: kết thúc điều tra, chuyển VKS các cấp đề nghị truy tố 16 vụ - 38 bị can; tạm đình chỉ điều tra 08 vụ - 13 bị can; đình chỉ 01 vụ - 0 bị can); đang điều tra 23 vụ - 37 bị can. Tổng số thiệt hại: khoảng 238 tỷ đồng; tổng số thu hồi hơn 40 tỷ đồng.
Báo cáo của UBND TP cũng đề ra những nhiệm vụ giải pháp phòng chống tham nhũng trong năm 2021. Trong đó, chú trọng đến việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, xóa bỏ tình trạng "xin - cho", tập trung trong các lĩnh vực: đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng - ngân hàng, quản lý tài chính, mua sắm tài sản công, tổ chức cán bộ, quản lý doanh nghiệp nhà nước...