Hà Nội ứng phó mưa lũ: Không thể chậm trễ | Hà Nội tin mỗi chiều

Biến đổi khí hậu ngày càng tác động rõ rệt đến đời sống dân sinh và sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, sự chủ động ứng phó từ sớm, từ xa là điều rất cần thiết. Công việc này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân.

Mặc dù đợt mưa sau cơn bão số 2 đã qua gần một tuần nhưng nhiều điểm ở ngoại thành Hà Nội vẫn bị ngập nặng, gây ảnh hưởng tới hoạt động giao thông, sinh hoạt và sản xuất của nhiều người dân, nhiều cánh đồng mất trắng, ngập chìm trong nước.

Tại xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội, đường biến thành sông, thuyền thay cho xe máy, không thể phân biệt được đâu là bờ, đâu là ruộng. Toàn bộ khu vực ngập chìm trong nước như một ốc đảo mấy ngày qua.

Xóm Bến Vôi ngập lụt toàn bộ đường làng và đồng ruộng. Ảnh: Vietnamnet.

Xóm Bến Vôi ngập lụt toàn bộ đường làng và đồng ruộng. Ảnh: Vietnamnet.

Bà Nguyễn Thị Thọ - một người dân xóm Bến Vôi, cho biết vào năm 2008 và đến năm nay mới có trận ngập lớn như thế này. Gia đình bà bị thiệt hại một ao cá.

Mưa ngập, người dân gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn nước đảm bảo vệ sinh để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Hình ảnh toàn cảnh xóm Bến Vôi bị làn nước cô lập lọt thỏm tựa như một xóm đảo. Ảnh: Báo Pháp luật.

Hình ảnh toàn cảnh xóm Bến Vôi bị làn nước cô lập lọt thỏm tựa như một xóm đảo. Ảnh: Báo Pháp luật.

Ngôi nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Ngọc ở xóm Bến Vôi là một trong số những nhà bị nước lũ tràn vào sâu nhất.

Anh Ngọc cho biết nước ngập tới khoảng 1m. Khoảng 5 giờ sáng ngày 24/7, nước lũ bỗng tràn vào nhà sau một ngày mưa lớn. Đến nay, đã gần 5 ngày nhưng nước lũ chưa có dấu hiệu rút. Gần như tất cả hoạt động của gia đình anh đều diễn ra dưới nước, chỉ còn duy nhất chiếc giường được kê cao hơn. Gia đình anh có 5 người thì chỉ có hai vợ chồng ở lại, các con sơ tán sang nhà người thân nơi không bị ngập.

Mưa ngập gây ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất của nhiều người dân. Ảnh: Vietnamnet.

Mưa ngập gây ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất của nhiều người dân. Ảnh: Vietnamnet.

Bên cạnh những bất tiện mà ngập lụt gây ra khiến nhiều người lo lắng, một số người lại thích thú khai thác những điều thú vị mà mưa lũ đem lại.

Áo phao và phao bơi là mặt hàng bán chạy tại đây trong những ngày này. Đường làng thường ngày xe chạy nay trở thành biển nước có rất nhiều trẻ em ra tắm và tập bơi. Nhiều người dân thả lưới, kéo vó bắt cá.

Gần như nhà nào cũng có 1-2 chiếc áo phao trong nhà đề phòng mùa nước. Ảnh: Báo Pháp luật.

Gần như nhà nào cũng có 1-2 chiếc áo phao trong nhà đề phòng mùa nước. Ảnh: Báo Pháp luật.

Người dân xóm Bến Vôi đã quen với cảnh úng ngập hàng năm, các ngôi nhà mới xây đều được tôn cao nền. Nhà nào có phương tiện thuyền bè đều được huy động, mang ra dùng, hỗ trợ nhau tổ chức lại cuộc sống trong ngập lũ. Chia nhau từng bình nước, san sẻ từng gói mì, cùng nhau di chuyển trên những con thuyền nhỏ.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ cho biết, mưa lớn, lũ trên các sông như: Bùi, Tích, Đáy lên trở lại. 19h ngày 28/7, mực nước sông Bùi, đoạn qua huyện Chương Mỹ đạt 7,5 m, trên mức báo động lũ cấp III là 0,50 m.

Đến ngày 29/7, mực nước sông Bùi có thể đạt 7,6 m, vượt mức lũ lịch sử năm 2018 khoảng 0,07 m. Còn sông Tích, đoạn qua huyện Thạch Thất và Quốc Oai, có thể lên 8,33 m, trên mức báo động lũ cấp III là 0,33 m. Mực nước trên sông Tích có thể đạt 8,45 m.

Cảnh báo lũ trên sông Tích, sông Bùi đang ở mức cao tiếp tục gia tăng rủi ro thiên tai, có thể gây thiệt hại về người và tài sản. Các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất có các con sông chảy qua sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng.

Đường làng thường ngày xe chạy nay lại trở thành một "bãi biển". Ảnh: Báo Pháp luật.

Đường làng thường ngày xe chạy nay lại trở thành một "bãi biển". Ảnh: Báo Pháp luật.

Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, khoảng 200 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Diện tích lúa vụ mùa toàn huyện bị ngập úng gần 1.500 ha. Trước mắt, huyện đang duy trì việc ứng trực 24/24h tại các điếm canh đê, theo dõi mọi diễn biến, sẵn sàng xử lý các sự cố phát sinh để hạn chế gây thiệt hại về người và tài sản. Lối đi từ xã Cấn Hữu sang các địa bàn lân cận đều được bố trí chốt trực hướng dẫn phương tiện di chuyển.

Không chỉ có xã Cấn Hữu, nhiều khu vực thôn xã khác ven sông Tích cũng bị ngập nặng cùng thời điểm. Một số điểm trên đoạn đê dài khoảng 1 km nối huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội và huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình bị nước tràn qua, uy hiếp hơn 400 ha đồng bãi, khu dân cư, trang trại của xã Đông Yên và một phần xã Hòa Thạch.

Nước sông Tích dâng cao khiến nhiều hộ dân ở xã Cấn Hữu, Đông Yên bị ngập sâu. Ảnh: Hà Nội mới.

Nước sông Tích dâng cao khiến nhiều hộ dân ở xã Cấn Hữu, Đông Yên bị ngập sâu. Ảnh: Hà Nội mới.

Trước nguy cơ đe dọa có thể vỡ đê, chính quyền xã Đông Yên đã phát loa thông báo, kêu gọi người dân cùng lên đê Đồng Lọng để gia cố đê. Hàng trăm người dân đã tất bật gia cố đê, dùng xẻng xúc đất vào bao tải, xếp thành từng chồng trên mặt đê để ngăn lũ.

Trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn 24 thôn, xóm thuộc 13 xã, thị trấn bị ngập nhà cửa, đường giao thông; 1.343 ngôi nhà ở của người dân bị ngập sâu từ 0,5 đến 2 m; hơn 1.500 hộ dân bị ảnh hưởng về giao thông đi lại. Số hộ bị ảnh hưởng nặng tập trung tại các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Tân Tiến.

Ngay trong tối 28/7, UBND xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, đã huy động lực lượng 4 tại chỗ của địa phương kịp thời xử lý những điểm tràn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do ảnh hưởng mưa lũ trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ảnh: VGP/TT.

Lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do ảnh hưởng mưa lũ trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ảnh: VGP/TT.

Vào ngày 26/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã tới vùng úng ngập sâu thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến và thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ kiểm tra, nắm tình hình.

Ông Lê Hồng Sơn yêu cầu huyện Chương Mỹ tiếp tục bố trí lực lượng canh gác, phân luồng giao thông, canh trực ở những nơi ngập sâu, nước chảy xiết; cung cấp đủ nước sinh hoạt, vật tư y tế và các nhu yếu phẩm cho người dân; bảo đảm an ninh trật tự nơi người dân đến sơ tán và bảo vệ tài sản cho người dân ở nơi ngập lụt. Khi nước rút tới đâu, huyện cần tổ chức vệ sinh môi trường kịp thời đến đó để không xảy ra dịch bệnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn kiểm tra tình hình úng ngập tại xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến. Ảnh: Hà Nội mới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn kiểm tra tình hình úng ngập tại xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến. Ảnh: Hà Nội mới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và các địa phương khẩn trương đánh giá, nghiên cứu, đề xuất thành phố giải pháp tổng thể các khu vực thường xuyên chịu tác động của lũ, úng ngập nhằm bảo đảm tính khả thi, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vào chiều 29/7, lãnh đạo Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội đã trực tiếp xuống thăm, động viên, trao quà hỗ trợ và kiểm tra công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ.

Ông Nguyễn Xuân Đại – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho hay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang xây dựng đề án tổng thể bao gồm khơi thông dòng chảy và giải tỏa vi phạm dọc tuyến sông Tích, sông Đáy. Bên cạnh đó là nâng cấp các tuyến đê.

Hiện các đơn vị thủy lợi đang vận hành hết công suất 197 trạm bơm tiêu, đảm bảo tiêu úng khu vực ngoại thành.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 29 đến 30/7, khu vực Bắc Bộ sẽ có những đợt mưa vừa, mưa to và dông; cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến dao động từ 50 - 150 mm ở vùng núi và trung du, từ 30 - 100 mm ở đồng bằng. Đặc biệt, có nơi mưa lên tới trên 250 mm ở vùng núi và trung du, trên 150 mm ở đồng bằng.

Mưa lớn trong điều kiện vùng núi độ bão hòa của đất cao, vùng đồng bằng nhiều nơi bị ngập dẫn tới nguy cơ sạt lở đất ở vùng cao và gia tăng tình trạng ngập úng ở khu vực đồng bằng.

Biến đổi khí hậu ngày càng tác động rõ rệt đến đời sống dân sinh và sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, sự chủ động ứng phó từ sớm, từ xa là điều rất cần thiết. Công việc này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân.

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nói chung và mưa lũ nói riêng không thể lơ là, vì mọi sự chậm chễ đều có thể dẫn đến những thiệt hại lớn về người và tài sản.

Hoa Mai

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-ung-pho-mua-lu-khong-the-cham-tre-ha-noi-tin-moi-chieu-254826.htm