Hà Nội: Ưu tiên cao cho công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nhâm Dần
Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị tổ chức cho nhân dân đón Xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống đại dịch COVID-19.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Chỉ thị số 26/CT-UBND về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn thành phố.
Cho phép tổ chức các hoạt động mừng Xuân
Theo đó, để tổ chức cho nhân dân đón Xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với phương châm “mọi người, mọi nhà đều có Tết”... Chủ tịch thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; mừng Xuân mới Nhâm Dần 2022.
Chủ tịch Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao phong phú, lành mạnh, phù hợp với tập quán dân tộc đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của đông đảo nhân dân và khách du lịch. Đặc biệt, thành phố yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức các lễ hội đúng quy định, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong thời gian giao mùa Đông-Xuân.
Thực hiện nghiêm các chỉ đạo, quy định trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm tuyệt đối an toàn các hoạt động lễ hội, tập trung đông người, có phương án, kịch bản đáp ứng phòng, chống dịch, thực hiện phương châm "4 tại chỗ" khi dịch bệnh xảy ra.
Tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh, chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế ứng trực 24/24 giờ; dự trữ đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất, phương tiện đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, đặc biệt kịp thời xử lý các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, thương tích, ngộ độc thực phẩm...
Lãnh đạo thành phố giao Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến cung-cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh (thịt lợn, thịt gà, thịt bò, rau xanh các loại...) để kịp thời báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố có biện pháp cụ thể bảo đảm lượng hàng hóa phục vụ nhân dân.
“Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, nắm bắt nguồn cung ứng mặt hàng thịt lợn và các mặt hàng thiết yếu khác bảo đảm nguồn cung cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2022,” Chỉ thị nêu rõ.
Thành phố giao Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung-cầu, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng theo các hình thức phù hợp, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, tạo nguồn hàng hóa ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô dịp trước, trong và sau Tết và đặc biệt bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho các địa bàn, khu vực phải thực hiện biện pháp y tế phòng, chống dịch.
Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng của đại dịch
Tại Chỉ thị này,Chủ tịch thành phố giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã hướng dẫn, triển khai, tổ chức thực hiện yêu cầu của Ủy ban Nhân dân thành phố về tặng quà người hưởng chính sách thuộc lĩnh vực người có công; gia đình diện hộ nghèo, người cao tuổi, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; các tổ chức, cá nhân tiêu biểu nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Đặc biệt, quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức triển khai thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2022), mừng Xuân Nhâm Dần 2022 bảo đảm ấn tượng, nội dung chất lượng nghệ thuật cao và an toàn.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch, lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, phong tục, tập quán, điều kiện sống của từng địa phương và phòng, chống dịch bệnh.
Lãnh đạo thành phố giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp đỗ, dừng phương tiện không đúng quy định, đi không đúng làn đường, phần đường quy định, chở quá tải, quá số người quy định; xử lý các điểm trông giữ xe trái phép, sai phép, thực hiện sai quy định về giá dịch vụ, vi phạm lòng đường, lề đường.
Đáng chú ý, thành phố yêu cầu dừng cấp phép (đào hè, đường và dừng thi công từ ngày 22/1/2022 (20 tháng Chạp Âm lịch) đến hết Tết Nhâm Dần năm 2022, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công thực hiện hoàn trả hè, đường, bảo đảm thuận lợi giao thông và vệ sinh môi trường trong dịp Tết.
Lãnh đạo thành phố giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, các vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt là các vụ việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ hoặc ma túy, chất gây nghiện trên địa bàn mình phụ trách.
“Lãnh đạo các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống đại dịch COVID-19, tuyệt đối không chủ quan, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, sẵn sàng ứng phó, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống đại dịch,” Chỉ thị số 26 nhấn mạnh./.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến nay đã có 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố, với tổng lượng hàng hóa đăng ký thực hiện 18.000 tỷ đồng; đưa hàng hóa bình ổn tới hơn 20.000 điểm bán (123 siêu thị, 6.800 cửa hàng tiện lợi, 13.000 cửa hàng chuyên doanh, 1.900 điểm bán hàng tại các chợ truyền thống, 500 bếp ăn tập thể).
Lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết (tính cho 3 tháng trước, trong và sau Tết) gồm: Gạo 278.910 tấn; thịt lợn 57.780 tấn, thịt gà 18.594 tấn, thịt bò 16,050 tấn, trứng gia cầm 372 triệu quả, rau củ 309,900 tấn; thực phẩm chế biến 15.495 tấn; thủy hải sản 57,750 tấn; trái cây 156.000 tấn...
Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng (tương đương năm 2021).