Hà Nội và TP.HCM bàn cách làm tốt đường sắt đô thị

Lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM khẳng định hai TP sẽ đề xuất thực hiện cơ chế đặc thù, vượt trội để phát triển đường sắt đô thị.

Ngày 17-1, Hội thảo khoa học Phát triển hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội và TP.HCM được khai mạc ở Hà Nội với sự tham gia của gần 400 đại biểu, chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước.

Vai trò của đường sắt đô thị

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh Hà Nội và TP.HCM là hai đô thị đặc biệt, với diện tích và dân số lớn nhất. Hai đô thị đều là đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa, khoa học và an ninh quốc phòng của cả nước.

Do đó, hệ thống giao thông công cộng giữ vai trò quan trọng đối với hai đô thị này. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị được coi là trục “xương sống” của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông.

 TP.HCM đang thúc đẩy tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) nhanh chóng về đích. Ảnh: Đ.TRANG

TP.HCM đang thúc đẩy tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) nhanh chóng về đích. Ảnh: Đ.TRANG

“Việc đầu tư sớm, đưa vào vận hành hiệu quả hệ thống ĐSĐT sẽ nâng cao tỉ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông… Từ đó mang lại những hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội” - chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định.

Ông Thanh cũng cho hay những năm qua, cả Hà Nội và TP.HCM đã và đang dành nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án ĐSĐT. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường thông tin về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT tại Hà Nội và TP.HCM của Bộ Chính trị.

“Theo đó, kết luận yêu cầu hai TP phải đạt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đô thị trong 12 năm. Đây là một thách thức to lớn và nếu tiếp tục triển khai với cách làm tương tự như trong 20 năm qua thì không thể hoàn thành được mục tiêu này” - ông Cường nói.

Cần cơ chế đặc thù để gỡ khó

Với vai trò quan trọng của ĐSĐT, lãnh đạo hai TP thống nhất sẽ phối hợp chặt chẽ, quyết liệt, tạo đột phá trong việc xây dựng ĐSĐT gắn với giao thông công cộng ; huy động nguồn lực, tái định cư, lựa chọn công nghệ…

“Hai TP sẽ cùng sát cánh đề xuất Trung ương cho phép được thực hiện các cơ chế đặc thù, vượt trội cho việc phát triển ĐSĐT nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Lãnh đạo của TP.HCM và Hà Nội mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp, hiến kế cho hai TP xây dựng hệ thống đường sắt đô thị hiện đại.

Thông qua hội thảo lần này, TP Hà Nội và TP.HCM hướng đến mục tiêu trao đổi, nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế từ các nước có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông công cộng phát triển, đặc biệt là hệ thống ĐSĐT. Đồng thời tổng hợp các kinh nghiệm trong nước và quốc tế để xây dựng, hoàn thiện thể chế về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Cạnh đó quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị, đất đai, đầu tư, quản lý, vận hành và khai thác ĐSĐT.

Theo đó, lãnh đạo của TP.HCM và Hà Nội mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp, hiến kế cho hai TP xây dựng hệ thống ĐSĐT hiện đại, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đánh giá cao quy mô của hội thảo với sự tham gia của đội ngũ các chuyên gia am hiểu sâu về lĩnh vực. Đồng thời bày tỏ tin tưởng sẽ có nhiều ý tưởng, giải pháp hữu hiệu để giúp hai TP phát triển thành công mạng lưới ĐSĐT, tổ chức đô thị.

“Đây là vấn đề khó, mới mẻ với Việt Nam. Tuy nhiên, khó không phải là không làm được, cần có các điều kiện thể chế pháp lý, công nghệ, nguồn lực hỗ trợ” - bà Thủy nhận định.•

Cả nước mới có 13 km đường sắt đô thị

Liên quan đến ĐSĐT, quy hoạch tại TP Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến ĐSĐT với chiều dài 410 km. TP.HCM sẽ xây dựng tám tuyến xuyên tâm và vành đai nối các trung tâm chính của TP với chiều dài khoảng 173 km.

Hiện tại, cả nước mới đưa vào khai thác 13 km (đạt 10,4% tổng chiều dài mạng lưới cần đầu tư trước năm 2020). Thị phần vận tải ĐSĐT chưa đáp ứng được khoảng 15%-20% nhu cầu vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội và TP.HCM như quy hoạch đề ra. Đối với giao thông công cộng vận tải khối lượng lớn, hiện nay ĐSĐT vẫn lợi thế nhất.

Theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, Hà Nội và TP.HCM cần tìm hiểu, học tập những kinh nghiệm, phương thức mới có tính “đột phá” để có thể triển khai đồng bộ và sớm hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT, nhằm đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của người dân hai TP.

Qua đó góp phần tạo bộ mặt mới cho đô thị, sự thuận lợi cho người dân, thu hút nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, ĐSĐT còn giữ vai trò định hình, phân bổ lại dân cư, giảm thiểu hạn chế từ quá trình đô thị hóa.

TRỌNG PHÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/ha-noi-va-tphcm-ban-cach-lam-tot-duong-sat-do-thi-post772408.html