Hà Nội vẫn 'chìm' trong sương mù ô nhiễm

Theo các số liệu quan trắc, từ đầu tháng 11 đến nay, nhiều khu vực ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc thường xuyên 'chìm' trong bầu không khí trắng đục mịt mù của sương và khói bụi. Đáng chú ý, sáng nay (8/12), chỉ số ô nhiễm ở một số điểm ở Hà Nội đã ở mức cao nhất thế giới.

Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của ứng dụng Pam Air, sáng ngày 8/12, chỉ số AQI ở nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội dao động chủ yếu ở mức trên 150 đơn vị, mức có hại cho sức khỏe, cần hạn chế ra ngoài đường khi không cần thiết.

Nơi có chất lượng không khí kém nhất là điểm đo Trường đại học Điện lực (quận Bắc Từ Liêm) với chỉ số AQI 275 đơn vị, mức rất xấu, mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng.

Còn trên IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới) xếp thủ đô Hà Nội ô nhiễm không khí đứng đầu thế giới với chỉ số AQI trung bình 200 đơn vị.

IQAir đánh giá bụi mịn (PM2.5) tại Hà Nội vào buổi sáng cao gấp 30 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đến trưa nay, nồng độ PM2.5 tại Hà Nội vẫn cao gấp 9.4 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.

Ô nhiễm không khí khiến Hà Nội như chìm trong lớp sương mù (ảnh chụp lúc 8h30 sáng nay).

Ô nhiễm không khí khiến Hà Nội như chìm trong lớp sương mù (ảnh chụp lúc 8h30 sáng nay).

Đến đầu giờ chiều nay, do thời tiết có nắng, không khí khô hơn nên bụi mịn có khả năng khuếch tán chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5 nhiều hơn, không khí cũng có chất lượng tốt hơn.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống. Khi theo dõi thấy chất lượng không khí ở mức xấu, có hại người dân cần hạn chế ra khỏi nhà, không vận động tập thể dục ở ngoài trời. Và khi ra đường người dân nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng, có thể lọc được bụi PM2.5 (bụi mịn); đeo khẩu trang đúng quy cách.

Ngoài ra, người dân cần vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, ở khu vực chất lượng không khí xấu. Theo ông Tùng, khoảng thời gian từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, chỉ số AQI thường tăng lên rất cao, cao hơn hẳn các tháng còn lại trong năm.

NY

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/ha-noi-van-chim-trong-suong-mu-o-nhiem-i716369/