Hà Nội vẫn thiếu trầm trọng bãi đỗ xe
Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 8 triệu phương tiện các loại, trong đó riêng ô tô là gần 1,5 triệu chiếc và mỗi ngày Hà Nội vẫn có thêm khoảng 1.100 phương tiện các loại được đăng ký mới và đưa vào lưu thông.
Chỉ đáp ứng 8-10% tổng số phương hiện có
Trong khi đó, bãi đỗ xe tại Hà Nội hiện chỉ đáp ứng 8-10% tổng số phương hiện có. Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, theo quy hoạch giao thông tĩnh, Hà Nội có 1.620 bãi đỗ xe, hiện đã đầu tư và đưa vào khai thác 72 bãi đỗ xe hoạt động, còn lại đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư và còn rất nhiều vướng mắc.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, quy hoạch dành cho giao thông tĩnh phải đạt 3-4% nhưng Hà Nội hiện chưa đạt 1%; tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị ở Hà Nội chỉ đạt 12,13%, tức chỉ đạt một nửa so với quyết định của Chính phủ về quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội (chỉ tiêu quy hoạch là 20-26% cho đô thị trung tâm)...
Chính vì thế nhu cầu bãi đỗ xe hiện đang thiếu trầm trọng, dẫn đến tình trạng đỗ bừa bãi ở các bãi đất trống, dưới lòng đường và trên cả vỉa hè. Cùng với đó, bên cạnh rà soát 1.620 bãi đỗ xe, công tác xây dựng cũng gặp khó khăn quy hoạch do một số bãi đỗ xe là đất ở, đất công sở và nằm ở trong khu đất rất khó để giải phóng mặt bằng.
Được biết, trước thực trạng này, Sở Giao thông Vận tải đã xin ý kiến, báo cáo UBND TP, sau khi thông qua 2 Quy hoạch Thủ đô sẽ cho phép ngành giao thông vận tải được phép rà soát điều chỉnh quy hoạch phân khu, trong đó có quan tâm đến các quy hoạch thành phần: quy hoạch phân khu giao thông ngầm, quy hoạch bãi đỗ xe giao thông tĩnh.
Từ đó để chuẩn hóa được quy định đầu tư cơ chế chính sách làm sao để thu hút nhà đầu tư. TP đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát tất cả các dự án nhà đầu tư liên quan đến bãi đỗ xe. Rà soát xác định rõ cái nào làm, cái nào không làm. Sở cũng có văn bản gửi các quận huyện có nhu cầu về bãi đỗ xe cao để chỉ rõ trong quy hoạch là có khu vực do yêu cầu cấp thiết hiện nay thì có phải bố trí ngân sách đầu tư công…
Thiếu quỹ đất và ít dần nhà đầu tư quan tâm
Về vấn đề đầu tư bãi đỗ xe, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân khẳng định, trước đây đây là lĩnh vực rất "hot" nhưng giờ đã ảm đạm, ít dần nhà đầu tư quan tâm đến đầu tư các bãi đỗ xe do giá sử dụng đất và giá thu phí bãi đỗ xe, thương mại dịch vụ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải để có những tháo gỡ cho vấn đề này, đưa ra danh mục đầu tư, kêu gọi xã hội hóa đầu tư một số vườn hoa cây xanh... Trong thời gian tới, căn cứ trên cơ sở chính sách liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu sẽ đó hướng xử lý có cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Tại Hà Nội, hiện tỷ lệ đất dành cho giao thông (với hệ thống đường bộ, giao thông tĩnh) còn thấp so với quy chuẩn đô thị lớn nhất là đô thị đặc biệt. Chẳng hạn, với Hà Nội cần 20-25% diện tích đất xây dựng đô thị trung tâm dành cho diện tích đất giao thông, nhưng đến nay mới chỉ đạt gần 12%. Riêng về giao thông tĩnh cần 3-4% diện tích, song đến nay chỉ đạt 0,4%.
Theo báo cáo chưa đầy đủ (mới có 17/30 địa phương thống kê) UBND các quận, huyện, thị xã đã cấp phép sử dụng tạm thời hè đường, lòng đường để trông giữ xe tại 422 điểm với diện tích 93.300m2. Do thiếu hụt quỹ đất giao thông tĩnh, trong khi phương tiện cá nhân bằng ô tô tăng lên từng ngày, nên nhiều người tận dụng đủ mọi chỗ để làm bãi gửi xe. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hình thành những bãi đỗ xe trái phép, không bảo đảm an toàn, thu phí cao nhiều lần giá quy định… diễn ra phổ biến.
Sở Giao thông Vận tải cho biết, việc tạm thời sử dụng một phần hè phố, lòng đường làm nơi trông giữ xe hiện nay chỉ là phương án, giải pháp tạm thời để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân trong khi các bãi đỗ xe chưa được đầu tư theo quy hoạch.
Đáng lo ngại nhất là vận tải hành khác công cộng chưa thu hút người dân. Đây là một trong những căn nguyên trực tiếp góp phần gia tăng áp lực về giao thông. Dễ thấy nhất, hiện Hà Nội cần đạt 30-35% nhu cầu đi lại trong đô thị trung tâm, song đến nay, dù đã có nhiều loại hình giao thông công cộng song mới chỉ đạt 20% nhu cầu. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc xây dựng các bãi đỗ xe ngầm hay bãi đỗ xe trên cao là xu hướng tất yếu của các đô thị lớn trên thế giới và phù hợp với điều kiện hiện nay của TP.
Tuy nhiên, để các dự án bãi đỗ triển khai hiệu quả, thì việc đảm bảo nguồn lực là một trong những yếu tố quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, việc nguồn lực được huy động từ việc xã hội hóa để đầu tư là rất cần thiết. Để xã hội hóa thành công, Hà Nội cần phải có cơ chế chính sách ưu tiên cho các nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo hài hòa giữa lợi ích các DN với Nhà nước và người dân...
Còn theo ông Nguyễn Xuân Lưu - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, vốn đầu tư cho bãi đỗ xe nổi rất rẻ, trong khi đó đầu tư cho bãi đỗ xe ngầm rất cao, giá trông giữ xe thì khống chế. Đưa ví dụ về khu vực đất ở phía Tây Bắc công viên Thanh Xuân với diện tích 1,7ha, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, TP dành cho kêu gọi đầu tư bãi đỗ xe ngầm có 2 tầng.
Tính ra mỗi ngày trông giữ được 700 lượt, nhưng quy định chỉ 1,15 triệu đồng/xe/tháng, thu về chỉ khoảng 1 tỷ đồng/tháng, trong khi đầu tư khoảng 680 tỷ đồng. Vì vậy, kêu gọi đầu tư khó khăn. Với bãi đỗ xe ngầm, muốn kêu gọi đầu tư phải có cơ chế. Sở Tài chính đề xuất ngoài chính sách về đất, UBND TP có chính sách hỗ trợ thêm để kêu gọi đầu tư.
Ví dụ như hỗ trợ về lãi suất, nhất là kêu gọi đầu tư bãi đỗ xe ngầm. Cùng đó, Sở Tài chính cũng đề xuất, một số khu vực công cộng có thể đầu tư ngân sách phát triển bãi đỗ xe ngầm, ví dụ như công viên bởi hiện các công viên chủ yếu khai thác phần mặt đất và có vị trí ở quanh nhiều khu dân cư cần bãi xe.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-van-thieu-tram-trong-bai-do-xe-384714.html