Hà Nội: Xã hội hóa nâng chất lượng hoạt động công chứng
Sở Tư pháp Hà Nội cho hay, sau 5 năm thi hành Luật Công chứng, công tác xã hội hóa hoạt động công chứng trên địa bàn thành phố đã góp phần đáp ứng nhu cầu của nhân dân, qua đó, chất lượng của hoạt động này cũng được nâng lê,
Trong buổi tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng tổ chức ngày 17/12, Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, TP đã có 96 tổ chức hành nghề với 282 công chứng viên đang hành nghề, doanh thu 538 tỷ đồng, nộp ngân sách 120 tỷ đồng. Dấu hiệu tích cực là việc xã hội hóa công chứng đã đạt thành công cả về số lượng và chất lượng của các tổ chức công chứng.
Các Phòng Công chứng đảm bảo chất lượng và uy tín, trong đó, nhiều Văn phòng công chứng đã xây dựng được thương hiệu tốt. Người dân có nhiều lựa chọn hơn khi cần công chứng, nhất là người dân ở các khu vực nơi trước đây không có tổ chức công chứng.
Sau khi Luật Công chứng có hiệu lực, nhu cầu thành lập các Văn phòng Công chứng trên địa bàn TP Hà Nội rất lớn. Sở Tư pháp đã tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế, trình các hồ sơ đủ điều kiện để UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định cấp phép thành lập văn phòng công chứng.
Số lượng tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP Hà Nội tăng mạnh qua các năm, cụ thể, năm 2007 mới có 9 tổ chức hành nghề công chứng nhưng đến năm 2012 đã lên 96 tổ chức.
Trước yêu cầu bức thiết về công chứng tại các huyện ngoại thành, tháng 9/2011, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tư pháp xin ý kiến Bộ Tư pháp cho phép thành lập các tổ chức hành nghề công chứng ở các khu vực này.
Chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng trên TP Hà Nội được đánh giá rất tích cực. Đến nay đã không còn sự phân biệt của các tổ chức và người dân giữa phòng công chứng và căn phòng công chứng, mà chỉ so sánh về chất lượng hoạt động của từng tổ chức hành nghề công chứng, từng công chứng viên cụ thể.