Hà Nội 'xanh hóa' giao thông công cộng
Với mục tiêu 'xanh hóa' giao thông công cộng, vài năm trở lại đây, Hà Nội đang thực hiện từng bước, cụ thể hóa mục tiêu, trong đó kế hoạch sử dụng xe buýt điện để thay thế hàng loạt tuyến xe buýt truyền thống sắp hết hạn thầu đang được người dân quan tâm.
Chuyển đổi 9 tuyến xe buýt truyền thống sang xe buýt điện
Mới đây, Hà Nội đề xuất thí điểm chuyển đổi 9 tuyến xe buýt truyền thống sang xe buýt điện, khi các hợp đồng thầu này sắp hết hạn. Theo đó, trong quý 1/2024, Hà Nội có 9 tuyến buýt sẽ hết hạn thầu vào ngày 31/3, gồm tuyến buýt số 05 lộ trình khu đô thị Linh Đàm - Phú Diễn; tuyến 15 bến xe Gia Lâm - Phố Nỉ; tuyến 17 Long Biên - Nội Bài; tuyến 36 Yên Phụ - khu đô thị Linh Đàm; tuyến 39 công viên Nghĩa Đô - Tứ Hiệp; tuyến 43 công viên Thống Nhất - thị trấn Đông Anh; tuyến 54 Long Biên - Bắc Ninh, tuyến 47A Đại học Kinh tế quốc dân - Kiêu Kỵ (Gia Lâm); tuyến 59 thị trấn Đông Anh - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã gửi đề xuất mới này tới UBND TP Hà Nội, đề nghị được thực hiện trong vòng 1 năm sau khi 9 tuyến buýt trên hết hạn thầu. Dự kiến, sau khi hoàn thiện xong thủ tục đặt hàng, đơn vị sẽ lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với xe buýt điện loại trung bình và nhỏ, để làm cơ sở đấu thầu các tuyến buýt khi hết thời gian thí điểm.
Theo Sở GTVT Hà Nội, khi chuyển sang buýt điện, chỉ một tuyến hết hạn khấu hao phương tiện, 8 tuyến vẫn còn khấu hao nên sẽ phát sinh số lượng 148 phương tiện (còn khấu hao từ 2 đến 8 năm), nên cần xem xét để có phương án xử lý, tránh lãng phí, thiệt hại cho doanh nghiệp. Được biết, theo lộ trình, năm 2025 có khoảng 68 tuyến buýt trên địa bàn Hà Nội sẽ hết hạn thầu và phải đổi chuyển sang buýt điện.
“Giải pháp xử lý là cho phép điều chuyển, sử dụng số lượng xe dôi dư (vẫn còn khấu hao) được thay thế vào các tuyến khác hết tuổi xe nhưng chưa hết hạn thầu, hoặc thay thế phương tiện để giảm tuổi phương tiện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ trên các tuyến buýt chưa hết hạn thầu”, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay.
Trước thông tin trên, nhiều người dân bày tỏ quan điểm đồng tình và mong rằng đề xuất này sẽ sớm được thực hiện trong thời gian tới. Chị T.Thanh (38 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Là một người ngày nào cũng sử dụng xe buýt Thủ đô, khi nghe thông tin về đề xuất thay đổi hàng loạt xe buýt truyền thống tôi cảm thấy rất phấn khích. Việc chuyển đổi này không chỉ giúp thành phố xanh - sạch - đẹp mà còn giúp người dân có cơ hội được sử dụng phương tiện mới, hiện đại và đem lại trải nghiệm tốt hơn”.
Quyết tâm “xanh hóa”
Được coi là chìa khóa, giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề ô nhiễm đô thị và quá tải hạ tầng giao thông, xây dựng giao thông xanh, phương tiện thân thiện với môi trường đã và đang là mục tiêu không chỉ của TP Hà Nội mà của toàn xã hội. Với việc triển khai nhiều loại hình giao thông mới, Hà Nội đang từng bước thực hiện “xanh hóa” phương tiện giao thông công cộng.
Xác định rõ mục tiêu, TP Hà Nội đã tập trung đầu tư và đến nay đã đạt được những kết quả tích cực. Đó là việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; mười tuyến xe buýt điện, bảy tuyến buýt sử dụng xe chạy bằng khí nén CNG, 1.000 xe đạp công cộng (500 xe đạp điện và 500 xe đạp cơ).
Trong số đó, xe buýt điện là phương tiện công cộng được nhiều người dân tin dùng bởi thái độ tài xế lịch sự, xe không mùi, không tiếng ồn, không ô nhiễm. Chính thức lăn bánh tại Hà Nội vào ngày 21/12/2021, sau 2 năm hoạt động, 10 tuyến xe buýt điện đã được người dân đánh giá cao về cả chất lượng phục vụ cũng như chất lượng phương tiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để khuyến khích người dân ủng hộ xe buýt năng lượng xanh thì cũng cần tiếp tục quan tâm đến các yếu tố như: Hạ tầng dịch vụ, chất lượng phương tiện, thái độ phục vụ...
Tại Hà Nội, theo kế hoạch, đến năm 2030, tỷ lệ chuyển đổi xe buýt của Hà Nội sẽ đạt 50-60%. Dự kiến đến năm 2035, Hà Nội sẽ có tỷ lệ chuyển đổi đạt 90 - 100%... Tuy nhiên, hiện nay, Hà Nội có khoảng trên 2.030 xe buýt được trợ giá nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch (chiếm khoảng 13,6%), bao gồm 139 xe khí nén thiên nhiên (CNG) và 138 xe buýt điện.
Quyết tâm “xanh hóa” giao thông công cộng của TP Hà Nội được cho là phù hợp với cam kết quốc tế của Chính phủ nước ta là đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Nhằm thực hiện cam kết này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành GTVT. Trong đó, với lĩnh vực giao thông đô thị, đặt mục tiêu từ năm 2025, thay thế, đầu tư mới 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh tại Thủ đô Hà Nội.
Tại Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu từ năm 2025 có 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%. Đến năm 2050, có 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ha-noi-xanh-hoa-giao-thong-cong-cong-post502161.html