Hà Nội xây dựng các mô hình nâng cao chất lượng dân số
Theo Kế hoạch triển khai hoạt động các mô hình dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ )năm 2019, TP Hà Nội xây dựng 4 mô hình nhằm nâng cao chất lượng dân số. Mỗi mô hình duy trì liên tiếp trong 2 năm và các đơn vị tự chủ nguồn kinh phí nhân rộng những năm sau.
Cụ thể gồm: Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; mô hình can thiệp truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS/KHHGĐ) tới vùng dân cư đặc thù; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên.
Năm 2019 Chi cục DS-KHHGĐ triển khai 10 mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân năm thứ nhất, duy trì 27 mô hình năm thứ 2. Đối với mô hình chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên sẽ triển khai 8 mô hình năm thứ nhất và duy trì 10 mô hình năm thứ 2.
Các mô hình này triển khai nhằm nâng cao hiểu biết của vị thành niên về các lĩnh vực tâm lý, sinh lý, các bệnh lý liên quan đến SKSS, khuyến khích vị thành niên có ý thức và hành vi đúng đắn trong thực hành chăm sóc SKSS, định hướng kỹ năng sống và tình dục an toàn.
Sau một thời gian triển hai, 2 mô hình đã cung cấp thông tin hữu ích giúp giới trẻ thay đổi nhận thức, có các kiến thức và kỹ năng chăm sóc SKSS; chủ động tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn để có các biện pháp hạn chế các dị tật di truyền; sử dụng các biện pháp phòng tránh thai hiện đại. Đặc biệt, khi mang thai họ sẽ đến các cơ sở y tế khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh giảm thiểu các trẻ mang dị tật bẩm sinh.
Qua khảo sát ban đầu khi chưa thực hiện mô hình chỉ có 55%-60% vị thành niên, thanh niên hiểu biết về các kiến thức liên quan đến chăm sóc SKSS đạt yêu cầu. Sau 1 năm tham gia mô hình, khảo sát đầu ra cuối năm số vị thành niên, thanh niên có kiến thức đạt yêu cầu nâng lên 90%-95%.
Với mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, năm 2019 triển khai 21 mô hình năm thứ nhất và duy trì 35 mô hình năm thứ 2. Năm 2018 Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã triển khai 59 mô hình năm thứ nhất và duy trì 31 mô hình năm thứ 2 với các hoạt động tư vấn, hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; nâng cao đời sống tinh thần và vị thế người cao tuổi, tăng cường trách nhiệm của tổ chức và cộng đồng đối với người cao tuổi.
Kết quả cho thấy, mô hình thật sự có hiệu quả và thu hút sự tham gia của rất đông người cao tuổi. Đây không chỉ là nơi cung cấp kiến thức, tư vấn, thăm khám bệnh tật, mà còn là sân chơi, nơi giao lưu, thể hiện bản thân của người cao tuổi.
Về mô hình đẩy mạnh truyền thông về chăm sóc SKSS/KHHGĐ tới vùng dân cư đặc thù được triển khai năm thứ nhất tại các huyện Gia Lâm, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh. Mô hình năm thứ 2 triển khai tại huyện Quốc Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Sóc Sơn và quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm.
Để đảm bảo tính thực tiễn của các mô hình, các hoạt động điều tra, nghiên cứu thực địa, thu thập dữ liệu sẽ được triển khai; tổ chức hội nghị, tọa đàm tìm giải pháp triển khai mô hình tại cộng đồng. Sau khi thực hiện các nội dung hoạt động trên, Chi cục DS-KHHGĐ sẽ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện mô hình, trong đó nêu rõ những điều làm được và chưa làm được, những tồn tại và hạn chế để tiếp tục củng cố, duy trì mô hình trong những năm tiếp theo, ông Tạ Quang Huy Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết.