Hà Nội xây dựng công nghiệp văn hóa thành ngành mũi nhọn
Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là chính sách phát huy giá trị văn hóa Hà Nội, với 12 lĩnh vực cho ngành công nghiệp văn hóa được đưa vào luật.
Mặc dù đang trong quá trình hoàn thiện nội dung trưng bày chính thức, nhưng trung bình mỗi năm Bảo tàng Hà Nội có gần 20 hoạt động triển lãm, giao lưu để thu hút công chúng, xây dựng bảo tàng thành không gian sáng tạo.
Ông Đặng Minh Vệ, Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho hay: "Nhiều đơn vị, cá nhân mong muốn hợp tác với Bảo tàng Hà Nội để tổ chức hoạt động. Chúng tôi mong muốn Luật Thủ đô sẽ tạo nhiều cơ chế, chính sách để bảo tàng hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp vào nỗ lực xây dựng thành phố sáng tạo".
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp văn hóa cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp trước, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã đưa vào 12 lĩnh vực cho ngành công nghiệp văn hóa.
1.793 di sản văn hóa phi vật thể chính là tài sản vô giá của Thủ đô và cả nước. Theo Chủ tịch Hiệp hội Unesco thành phố Hà Nội Trương Minh Tiến, ngoài chế độ dành cho nghệ nhân dân gian, thành phố cũng cần quan tâm tới những người được trao truyền và thực hành di sản.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dành riêng điều 21 cho lĩnh vực văn hóa thể thao. Các điều 39, 41, 43 có những ưu đãi về văn hóa thể thao. Điều này thể hiện Hà Nội quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề văn hóa và mong muốn cụ thể hóa các điều khoản văn hóa, trên cơ sở đó tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển văn hóa trong thực tiễn.
Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ hội cho Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện, nhiều cơ chế chính sách sẽ có tác động trực tiếp đến xây dựng văn hóa, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua.