Hà Nội xây dựng đô thị thông minh hiện đại: Hiện thực hóa khát vọng hóa rồng

Xây dựng thành phố thông minh là một nhiệm cấp bách nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tối ưu hóa, quản trị, quản lý đô thị và tăng cường sự minh bạch, hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công cho người dân.

Chặng đường 70 năm qua, Hà Nội đạt được nhiều bước phát triển mạnh mẽ, luôn duy trì tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Tuy nhiên, với vai trò là Thủ đô, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế của cả nước, Hà Nội vẫn luôn mang trong mình "khát vọng hóa rồng" với dáng vóc của một đô thị thông minh - hiện đại - xứng tầm.

Để hiện thực hóa mục tiêu này này, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách làm nền tảng để xây dựng thành phố thông minh, trong đó đáng chú ý là Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chuyển đổi số - chìa khóa vàng hướng tới đô thị thông minh

Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phát triển, chuyển đổi số không chỉ giúp xây dựng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiện đại và hiệu quả mà còn góp phần vào quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và của đất nước đem đến hạnh phúc cho người dân.

Chuyển đổi số nền móng cho việc xây dựng thành phố thông minh - ảnh kt

Chuyển đổi số nền móng cho việc xây dựng thành phố thông minh - ảnh kt

Trao đổi với phóng viên VOV2, ông Hà Minh Hải, Thành ủy viên, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, trong Nghị quyết 18, Hà Nội xác định, chuyển đổi số là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm, đột phá của đột phá và là chìa khóa để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững. “Đây là một quan điểm rất lớn, Ban thường vụ coi chuyển đổi số là động lực quan trọng, đặt mục tiêu Hà Nội trở thành một trung tâm chuyển đổi số hàng đầu của cả nước”.

Ông Hải cũng nhấn mạnh và khẳng định, chuyển đổi số không chỉ giới hạn là lĩnh vực công nghệ mà phải thực hiện toàn diện trong cả kinh tế xã hội, văn hóa, quản lý nhà nước đến phục vụ đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, thành phủ Hà Nội cũng xác định xây dựng thành phố thông minh là một nhiệm cấp bách nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tối ưu hóa, quản trị, quản lý đô thị và tăng cường sự minh bạch, hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công cho người dân. Một thành phố thông minh cũng sẽ tích hợp các công nghệ tiên tiến vào mọi lĩnh vực quản lý đô thị, đặc biệt là giao thông, y tế, giáo dục hạ tầng số năng lượng và vấn đề an sinh xã hội.

Việc Thành ủy Hà Nội ban hành nghị quyết số 18 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh không chỉ thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; mà còn thể hiện mạnh mẽ quyết tâm vào cuộc của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân, quyết tâm huy động nguồn lực của toàn xã hội, nâng cao nhận thức về tính cấp thiết của chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, xứng tầm vị thế Thủ đô.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XV, trong bối cảnh của của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ thì Nghị quyết 18 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số là một định hướng chỉ đạo kịp thời, phù hợp, thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo thành phố trong công cuộc này.

GS Hoàng Văn Cường cho rằng, chuyển đổi số không phải đơn thuần vấn đề thay đổi công nghệ mà quan trọng nhất trong câu chuyện chuyển đổi số chính là quyết tâm chính trị của những người đứng đầu, những nhà lãnh đạo phải thay đổi tư duy, phải sẵn sàng, chấp nhận thay đổi. “Cho nên quyết tâm chính trị của cấp lãnh đạo cao nhất Hà Nội thông qua nghị quyết này, tôi cho rằng đấy chính là thể hiện sự cam kết mạnh mẽ về mặt chính trị”, GS Hoàng Văn Cường nhìn nhận.

Khai thác thế mạnh của trung tâm đầu não

Từ góc nhìn của một chuyên gia, ông Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA khẳng định, để xây dựng một thành phố thông minh hiện đại, Hà Nội có lợi thế hơn so với các địa phương khác vì đây là thủ đô, nơi đầu não của cả nước, là nơi tập trung đông đảo đội ngũ trí thức, quy tụ rất nhiều trường đại học, các viện nghiên cứu không chỉ của thành phố mà của cả Trung ương. “Vấn đề bây giờ làm thế nào chúng ta khai thác, tận dụng được các điều kiện đấy để giúp thủ đô của chúng ta trở nên thông minh hơn, hiện đại hơn”.

Ông Quang cho rằng, việc huy động các nguồn lực từ xã hội, trong đó có nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia phát triển đô thị thông minh là vấn đề có tính chất “sống còn” trong chiến lược xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội. Chính quyền đóng vai trò kiến tạo, tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi, bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước cũng như tạo ra hệ thống dùng chung, hỗ trợ cho người dân, các tổ chức, doanh nghiệp được thụ hưởng một cách bình đẳng.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố "xanh - thông minh - hiện đại" - ảnh KT

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố "xanh - thông minh - hiện đại" - ảnh KT

Ông Hà Minh Hải, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, trong thời gian vừa qua, khi thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số, thành phố xác định phát huy nguồn lực nội tại kết hợp với quốc tế, đặc biệt là huy động nguồn lực xã hội, tận dụng thế mạnh của Hà Nội có các tập đoàn lớn về công nghệ để tham gia cùng với thành phố cùng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Chúng tôi cũng đã triển khai rất nhiều nội dung, trong đó huy động lực lượng rất lớn và với tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội là các tập đoàn lớn về công nghệ trên địa bàn để tham gia cùng với thành phố trong triển khai chuyển đổi số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng là nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Hà Minh Hải khẳng định.

Tuy nhiên bên cạnh những lợi thế, Hà Nội cũng lường trước sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong chặng đường chuyển đổi số hướng tới mục tiêu thành phố thông minh, hiện đại. Theo ông Hà Minh Hải, chuyển đổi số bản chất là cuộc cách mạng chuyển đổi nhận thức, đổi mới tư duy, là quá trình thường xuyên, liên tục đổi mới mình và không có điểm dừng. Đặc biệt với diện tích sau khi mở rộng địa giới hành chính lên tới hơn 3.300 km2 và tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số cơ học nhanh chóng khiến Hà Nội đối mặt với nhiều vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường. Vì thế, vấn đề đặt ra đối với Hà Nội hiện nay là bảo đảm sự phát triển bền vững, tạo ra một đô thị xanh, thích ứng với xu thế toàn cầu hóa và những biến đổi của môi trường, khí hậu. Hệ thống giao thông Hà Nội như một mạng lưới ken đặc các phương tiện giao thông, đang khiến Hà Nội trở nên chật chội, “khó thở”. Đây là “điểm nghẽn” cần tháo gỡ trước yêu cầu phát triển bền vững.

Đón đợi một Hà Nội, thành phố thông minh, hiện đại

Cùng với những nỗ lực cải thiện trong giải quyết thủ tục hành chính, mới đây Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất chủ trương xây dựng Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công theo Nghị quyết số 108 của Chính phủ. Mới đây, tại kỳ họp chuyên đề của HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI các đại biểu cũng sẽ xem xét thông qua vấn đề này. Trung tâm được xây dựng nhằm tiếp nhận thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, giảm đầu mối bộ phận một cửa. Các thủ tục được thực hiện nhanh chóng và rõ ràng hơn, giảm thiểu tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính với mục tiêu đạt tối thiểu 95-100% hồ sơ thủ tục hành chính được công khai, minh bạch.

Ông Hà Minh Hải cho biết, Trung tâm phục vụ hành chính công hướng tới việc nâng cao chất lượng phục vụ và sẽ tạo ra những thay đổi thực sự sâu rộng trong quản lý hành chính, nâng cao tính minh bạch, công khai, cải thiện chất lượng phục vụ, sự hài lòng của người dân. Khi trung tâm được vận hành cũng sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, tiêu cực qua đó nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công nhân, công chức, viên chức trong việc triển khai thực hiện cung cấp các dịch vụ công cho cho người dân.

Ông Hà Minh Hải (giữa) - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội GS.TS Hoàng Văn Cường (bên phải) - Đại biểu Quốc hội khóa XV, cùng tham gia tọa đàm tại phòng thu của VOV2

Ông Hà Minh Hải (giữa) - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội GS.TS Hoàng Văn Cường (bên phải) - Đại biểu Quốc hội khóa XV, cùng tham gia tọa đàm tại phòng thu của VOV2

Về các giải pháp để đạt được mục tiêu, ông Hà Minh Hải khẳng định, hiện nay Hà Nội đang triển khai thực hiện rất quyết liệt nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, trong đó giải pháp rất lớn được xác định là tiếp tục nâng cao nhận thức của hệ thống về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của thủ đô và xây dựng phát triển thủ đô, trong đó có những khâu mang tính đột phá như chuyển đổi số. Bên cạnh đó Hà Nội cũng tập trung phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh xứng đáng là trung tâm lớn về về giáo dục đào tạo khoa học công nghệ. Văn hóa con người vừa là mục tiêu nhưng vừa là nền tảng là nguồn lực, động lực quan trọng nhất để xây dựng phát triển thủ đô. “Vừa rồi Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô. Đây là một cơ sở rất quan trọng, phân cấp phân quyền cho Hà Nội rất nhiều nội dung để Hà Nội có thể thực hiện được sứ mệnh của mình”, ông Hà Minh Hải khẳng định.

GS Hoàng Văn Cường cũng khẳng định, Luật Thủ đô là cơ hội vàng giúp Hà Nội có quyền tự chủ để khai thác tiềm năng thế mạnh nội lực của mình cũng như thu hút các nguồn lực bên ngoài. Cần tập trung xây dựng chính quyền đô thị với một bộ máy thực sự tinh gọn, hiệu quả để phục vụ tốt nhất, đặc biệt là cơ chế để khai thác những nguồn lực tài chính cho các chương trình đầu tư phát triển thủ đô. Đồng thời Luật Thủ đô cũng trao cho chính quyền, nhân dân Hà Nội xây dựng những cơ chế, chính sách để có thể thu hút được các nguồn lực bên ngoài, nhất là sự kết nối giữa đội ngũ khoa học, các cơ quan Trung ương, cơ quan nghiên cứu cùng tham gia vào sự phát triển thủ đô, xứng tầm và thực hiện sứ mệnh của một đô thị thông minh.

Mọi nỗ lực mới chỉ là bước đầu. Mục tiêu quan trọng của Hà Nội trong xây dựng đô thị thông minh là hướng đến một nền kinh tế sáng tạo, môi trường sống an toàn, chất lượng sống của người dân được nâng cao bởi các tiện ích dịch vụ từ hệ thống quản trị đô thị. Chặng đường 70 năm đã qua sẽ là nền móng vững chắc, là bước tạo đà cho thành công một Hà Nội, thành phố thông minh, hiện đại trong tương lai gần.

Thanh Hương/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-xay-dung-do-thi-thong-minh-hien-dai-hien-thuc-hoa-khat-vong-hoa-rong-post1127148.vov