Hà Nội 'xóa đất hoang' bằng cây dược liệu

Hà Nội xóa được cảnh đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhờ những mô hình trồng cây dược liệu phát triển theo chuỗi giá trị.

Huyện Thường Tín từng rơi vào cảnh đất sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang do qua trình đô thị hóa, người dân không mặn mà với đồng ruộng mà tìm kiếm những công việc khác. Phải đến khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, không ít người dân đã mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang trồng các loại cây thảo dược có giá trị kinh tế cao hơn.

Trong bối cảnh đó, HTX Tâm An đã ra đời nhằm hình thành 1,5ha vùng nguyên liệu theo định hướng thuận tự nhiên để phục vụ các công đoạn chế biến sâu nhằm cung cấp ra thị trường những sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Đến nay, HTX Tâm An tập trung vào trồng chùm ngây, cà gai leo, húng chanh, đinh lăng… Ngoài ra, HTX còn liên kết với các hộ dân ở xã lân cận để mở rộng vùng nguyên liệu.

Không dừng ở đó, các thành viên còn đầu tư xưởng chế biến, máy móc như máy sấy lạnh, máy sao trà, máy nghiền, máy đóng trà bằng mắt thần, máy đóng trà , máy sấy đa năng tích hợp chức năng hấp sấy, kho lạnh bảo quản... Sau khi dược liệu được thu hoạch sẽ được đưa về xưởng chế biến thành trà chùm ngây, trà đinh lăng, trà cà gai leo, dầu gội thảo dược… nhằm bảo đảm theo chu trình khép kín.

Đặc biệt, đến nay HTX đã có sản phẩm bột rau, củ sấy lạnh được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao của thành phố Hà Nội. Điều này không chỉ khẳng định giá trị kinh tế cao gấp 4-5 lần của mô hình trồng và chế biến dược liệu là còn góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Khánh Hà.

Bởi sản phẩm OCOP đang thúc đẩy các tiêu chí nông thôn mới như nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường… đồng thời góp phần khai thác và phát huy lợi thế sản phẩm nông nghiệp nông thôn của xã từ đó làm thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra hướng đi mới của người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Nhiều vùng đất trồng cây nông nghiệp bị bỏ hoang tại Hà Nội đã được người dân chuyển đổi sang trồng cây dược liệu đem lại nguồn thu nhập cao hơn.

Nhiều vùng đất trồng cây nông nghiệp bị bỏ hoang tại Hà Nội đã được người dân chuyển đổi sang trồng cây dược liệu đem lại nguồn thu nhập cao hơn.

Còn tại HTX Tâm Ngọc (xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn), nhờ trồng dược liệu theo quy trình hữu cơ, thân thiện với môi trường, HTX đã tạo ra những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và giúp mỗi thành viên có thu nhập trung bình từ 1,5 triệu đồng - 8 triệu đồng/người/tháng, tùy theo khả năng làm việc. Đặc biệt, HTX còn liên kết mở rộng trồng dược liệu tại Hàm Yên - Tuyên Quang để đáp ứng nhu cầu chế biến túi trà thảo mộc. Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, HTX Tâm Ngọc có 3 sản phẩm được đạt OCOP 4 sao là: Liên Hoa Trà, Cà gai leo trà, Hoa Trà.

Hiện HTX Tâm Ngọc đang là mô hình sản xuất dược liệu lớn của hiệu Sóc Sơn . Từ diện tích ban đầu (năm 2014) là 15ha, đến nay, vùng dược liệu đạt gần 100ha. Nhờ người dân, các HTX đưa các giống dược liệu thuần chủng vào trồng, ứng dụng kỹ thuật thâm canh hữu cơ, cơ giới hóa khâu sản xuất, chế biến nên cây dược liệu ở vùng đồi gò huyện Sóc Sơn mang lại giá trị kinh tế cao, đạt 420 triệu đồng/ha/năm trở lên, gấp 3 lần cây trồng khác. Đây là điều kiện thuận lợi giúp các xã trong huyện nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.

Việc sản xuất dược liệu, nhất là dược liệu hữu cơ đang là hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung. Mô hình dược liệu của HTX Tâm An, HTX Tâm Ngọc... không chỉ giúp HTX và thành viên làm giàu mà còn thể hiện rõ vai trò của các HTX trong phát triển kinh tế tập thể. Việc các HTX không ngừng đổi mới, phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển dược liệu cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để các địa phương nâng cao chất lượng trong xây dựng nông thôn mới...

Mỹ: Thử Nghiệm Thành Công "Thần Dược" Tiêu Diệt 70 Loại Ung Thư I SKĐS

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-xoa-dat-hoang-bang-cay-duoc-lieu-169230918130427617.htm